img
Thông báo
Sắp bắt đầu năm học mới, lớp hiện tại của bạn đang là lớp {{gradeId}}, bạn có muốn thay đổi lớp không?
img

Soạn bài Cảnh khuya| Văn 8 tập 2 cánh diều

Tác giả Hoàng Uyên 09:37 12/03/2024 9,111 Tag Lớp 8

Tác phẩm Cảnh khuya là một trong những bài thơ Đường luật xuất sắc và nổi tiếng của tác giả, vị anh hùng dân tộc Hồ Chí Minh. Cùng VUIHOC theo dõi Soạn bài Cảnh khuya sách Ngữ văn 8 tập 2 Chân trời sáng tạo dưới đây để khám phá vẻ đẹp thơ mộng của đêm trăng tại chiến khu Việt Bắc và tâm hồn đầy chất thơ của Bác.

Soạn bài Cảnh khuya| Văn 8 tập 2 cánh diều
Mục lục bài viết
{{ section?.element?.title }}
{{ item?.title }}
Mục lục bài viết x
{{section?.element?.title}}
{{item?.title}}

1. Soạn bài Cảnh khuya: Chuẩn bị

Đọc trước văn bản Cảnh khuya; tìm hiểu và ghi chép lại những thông tin về Chủ tịch Hồ Chí Minh giúp cho việc đọc hiểu bài thơ này.

1.1 Tìm hiểu về tác giả Hồ Chí Minh 

Hồ Chí Minh không chỉ là một anh hùng dân tộc, một vị lãnh tụ thiên tài mà còn là nhà thơ, nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc. Năm 1990, UNESCO đã long trọng vinh danh và tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Tiểu sử:

  • Hồ Chí Minh tên thật là Nguyễn Sinh Cung sinh ngày 19/05/1890, trong một gia đình có truyền thống yêu nước ở Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

  • Bác học tại trường Quốc học Huế rồi dạy học tại Dục Thanh (Phan Thiết).

  • Lòng yêu nước đã được hình thành từ sớm trong con người Bác. Năm 1911, tại bến cảng Nhà Rồng, Bác ra đi tìm đường cứu nước.

  • Bác từng hoạt động cách mạng ở nhiều nước trên thế giới như: Pháp, Trung Quốc, Thái Lan…

  • Ngày 03/02/1930, đảng cộng sản Việt Nam được thành lập.

  • Năm 1941, Bác Hồ trở về nước, trực tiếp lãnh đạo phong trào Cách mạng trong nước

  • Tháng 08/1942, khi Người sang Trung Quốc để tranh thủ tìm sự viện trợ của quốc tế thì bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam đến tháng 09/1943.

  • Sau khi ra tù, Người trở về nước, tiếp tục lãnh đạo phong trào Cách mạng, tiến tới cuộc tổng khởi nghĩa tháng 08/1945.

  • Ngày 02/09/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Hồ Chủ tịch đọc bản tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

  • Lãnh đạo nhân dân trong hai cuộc kháng chiến lịch sử chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ.

  • Người từ trần ngày 02/09/1969, tại Hà Nội.

→ Hồ Chí Minh là nhà yêu nước và nhà hoạt động cách mạng vĩ đại, lỗi lạc của phong trào quốc tế.

Quan điểm sáng tác:

  • Hồ Chí Minh coi văn học, thơ ca là một vũ khí chiến đấu lợi hại phụng vụ cho sự nghiệp cách mạng lớn lao: mỗi nhà văn cũng chính là một chiến sĩ.

  • Hồ Chí Minh luôn đề cao tính dân tộc và tính chân thật của văn học.

  • Mỗi khi cầm bút viết Bác luôn luôn xuất phát từ mục đích, đối tượng sẽ tiếp nhận để quyết định hình thức và nội dung của tác phẩm.

Sự nghiệp sáng tác:

  • Văn chính luận: các bài viết đăng trên các báo Người cùng khổ, Nhân đạo,  Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Tuyên ngôn độc lập, Bản án chế độ thực dân Pháp,Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước.

  • Truyện và kí: truyện ngắn đăng trên các mặt báo ở Pari viết bằng tiếng Pháp: “Lời than vãn của bà Trưng Trắc, Vi hành, Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu, Nhật kí chìm tàu”.

  • Thơ ca: tập thơ Nhật kí trong tù, chùm thơ Bác sáng tác tại Việt Bắc và trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp như: “Ca binh lính ca, Ca sợi chỉ…”

Phong cách nghệ thuật:

  • Tính đa dạng: Bác viết được nhiều thể loại, và bằng cả nhiều thứ tiếng khác nhau. Mỗi thể loại đều mang những nét độc đáo, hấp dẫn đặc trưng.

• Văn chính luận: xúc tích, ngắn gọn, lập luận chặt chẽ, bút pháp đa dạng.

• Truyện và ký: nghệ thuật trào phúng sắc bén kết hợp với tinh thần chiến đấu mạnh mẽ và đầy kiên cường.

• Thơ ca: mỗi loại mang dấu ấn phong cách riêng.

  • Tính thống nhất:

• Cách viết ngắn gọn, giản dị, trong sáng. 

• Các thủ pháp nghệ thuật khác nhau được sử dụng linh hoạt.

• Hình tượng nghệ thuật hướng tới ánh sáng tương lai.

→ Văn thơ Hồ Chí Minh được coi như di sản tinh thần vô giá, gắn bó mật thiết với sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người. Văn thơ của Người không chỉ có tác động lớn tới quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam, mà còn giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong lịch sử và trong đời sống tinh thần của toàn dân tộc.

1.2 Bối cảnh ra đời của tác phẩm

- Bài thơ được ra đời vào năm 1947, tại chiến khu Việt Bắc – những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, khi quân Pháp ồ ạt tấn công lên đó với mục đích tiêu diệt lực lượng chủ lực và cơ quan đầu não lãnh đạo kháng chiến của Đảng và Chính phủ. Chiến dịch Việt Bắc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với tinh thần đoàn kết chiến đấu quân và dân ta đã làm thất bại âm mưu của quân địch.

>> Xem thêm: Soạn văn 8 cánh diều 

2. Soạn bài Cảnh khuya: Đọc hiểu 

Chú ý việc sử dụng từ ngữ, hình ảnh và biện pháp tu từ trong bài thơ.

- Từ ngữ, hình ảnh:  trăng, tiếng hát, tiếng suối, hoa, người, nước nhà.

- Biện pháp tu từ: Nghệ thuật so sánh.

* Nội dung chính:

Bài thơ làm hiện lên vẻ đẹp của ánh trăng đêm khuya tại chiến khu Việt Bắc trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, qua đó thể hiện tình cảm đặc biệt của Bác với thiên nhiên, tâm hồn nhạy cảm đầy thi vị, lòng yêu nước sâu nặng và phong thái lạc quan của Bác Hồ.

3. Soạn bài Cảnh khuya: Trả lời câu hỏi cuối bài

3.1 Câu 1 trang 47 SGK Văn 8/2 Cánh diều:

Xác định thể loại và các câu mang vần của bài Cảnh khuya. Nêu chủ đề của tác phẩm.

Phương pháp giải:

Đọc kĩ tác phẩm và phần Kiến thức ngữ văn ở đầu bài

Lời giải chi tiết:

Thể loại thơ: Thất ngôn tứ tuyệt Đường luật

Chủ đề tác phẩm: Bài thơ miêu tả khung cảnh đêm khuya dưới ánh trăng ở chiến khu Việt Bắc trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, từ đó thể hiện tâm hồn đầy chất thơ, tình yêu thiên nhiên, tình yêu nước sâu sắc và phong thái lạc quan, ung dung của Bác Hồ.

3.2 Câu 2 trang 47 SGK Văn 8/2 Cánh diều:

Qua hai câu thơ đầu, cảnh khuya của núi rừng Việt Bắc hiện lên như thế nào? Cảnh khuya ấy thể hiện được điều gì trong tâm hồn nhà thơ?

Phương pháp giải:

Đọc và phân tích kĩ 2 câu thơ đầu

Lời giải chi tiết:

Hồ Chí Minh đã vẽ nên khung cảnh núi rừng Việt Bắc rất đẹp chỉ qua hai câu thơ: vừa có suối, có trăng, có cây cối hoa cỏ chốn non xanh nước biếc hữu tình.

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”

Âm thanh tiếng suối được tác giả so sánh với tiếng hát từ xa vọng lại. Khung cảnh mới đầu được hiện lên qua âm thanh của suối tiếng suối êm dịu từ xa vọng lại như mơ hồ, như hư thực thể hiện sự tĩnh mịch, không gian yên ắng của cảnh. Tiếng suối từ nơi xa vọng lại nghe như tiếng hát của người con gái trẻ trung, xinh đẹp vọng ra từ trong rừng.

Trăng là một hình ảnh quen thuộc trong thơ Bác và luôn xuất hiện với vẻ đẹp lung linh huyền ảo. Điệp từ “lồng” được sử dụng 2 lần nhằm nhấn mạnh vào vẻ đẹp của ánh trăng in xuống mặt đất.

  • Lồng 1:  ánh trăng soi xuống cây cổ thụ, lồng vào tán cây.

  • Lồng 2: bóng tán cây khi được ánh trăng chiếu xuống thì in hình xuống mặt đất tạo nên những bông hoa tuyệt đẹp.

→ Hai câu thơ tái hiện lên cảnh đêm khuya trăng thanh gió mát nơi chiến khu Việt Bắc vô cùng thanh bình êm ả, có âm thanh dịu dàng, có ánh sáng nhẹ nhàng huyền ảo, tất cả vẽ nên một khung cảnh thật sự bình yên.

⇒ Nhà thơ thả hồn mình để lắng nghe và đồng điệu với tiếng suối rừng, tiếng nhạc của rừng xanh trở thành thực thể, bay đến và làm bạn với nhà thơ. Chi tiết này thể hiện sự nhạy cảm và tinh tế của tác giả.

3.3 Câu 3 trang 47 SGK Văn 8/2 Cánh diều:

Phân tích hai câu thơ cuối bài. Qua đó, em hiểu thêm được gì về con người tác giả?

Phương pháp giải:

Đọc và phân tích kĩ 2 câu thơ cuối.

Lời giải chi tiết:

“Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”

Hai câu thơ cuối của bài thơ thể hiện sự mê đắm của tác giả trước vẻ đẹp thu hút của thiên nhiên. Có thể nói cảnh thiên nhiên quá đẹp là một trong những lí do khiến “người chưa ngủ”. Tác giả đã thực sự bị vẻ đẹp của đêm trăng giữa núi rừng Việt Bắc làm cho rung động, say đắm. Bên cạnh đó, một lý do khác khiến Người thao thức chưa ngủ được là do người đang lo nghĩ cho vận mệnh của dân tộc. Hoặc cũng có thể hiểu rằng: chính vì thao thức tới canh khuya để lo nghĩ việc nước mà Người có cơ hội thưởng thức được vẻ đẹp tuyệt diệu của núi rừng về đêm. Hai nét tâm trạng ấy hòa hợp thống nhất mà bổ sung nhau trong con người của Bác.

Điệp ngữ “chưa ngủ” đặt lặp lại ở cuối câu thứ ba và đầu câu thứ tư là một sự gợi mở ra hai phía của tâm trạng cùng lúc xuất hiện bên trong con người Hồ Chí Minh. Tóm lại hai câu cuối của bài thơ Cảnh khuya đã làm hiện lên nét đẹp và chiều sâu trong tâm hồn của Hồ Chủ tịch - vị lãnh tụ cách mạng vĩ đại của dân tộc.

→ Tình yêu thiên nhiên và tình yêu đất nước hòa trộn cùng nhau.

3.4 Câu 4 trang 48 SGK Văn 8/2 Cánh diều:

Tìm biện pháp tu từ so sánh trong bài thơ. Nêu tác dụng miêu tả và biểu cảm của biện pháp tu từ đó.

Phương pháp giải:

Tìm và chỉ ra tác dụng của nghệ thuật so sánh trong bài thơ.

Lời giải chi tiết:

Nghệ thuật so sánh được sử dụng trong bài thơ: "Tiếng suối trong như tiếng hát xa,", so sánh âm thanh của tiếng suối với âm thanh của tiếng hát - bởi lẽ chúng có các đặc điểm tương đồng về mặt âm thanh như: hay, thánh thót và mơ hồ, văng vẳng vọng lại từ phía xa.

Tác dụng: Cách so sánh này khiến cho tiếng suối chảy trở nên sinh động, có âm điệu và tình cảm hơn. Câu thơ tiếp theo: “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa” gợi cho người đọc hai cách hiểu. Cách hiểu thứ nhất là ánh trăng chiếu xuống xuyên qua tán cây cổ thụ, chiếu xuống cả những bông hoa rừng bên dưới, một không gian ngập tràn ánh trăng. Cách hiểu thứ hai là khi ánh trăng chiếu xuống xuyên qua từng tán cây cổ thụ, trên mặt đất sẽ hình thành những bóng sáng như những bông hoa. Cả hai cách hiểu đều diễn tả được vẻ đẹp thơ mộng, mê mẩn của thiên nhiên nơi Việt Bắc. Qua con mắt của một thi sĩ, vẻ đẹp của núi rừng Việt Bắc hiện lên thật cuốn hút và không thể rời mắt.

3.5 Câu 5 trang 48 SGK Văn 8/2 Cánh diều:

Qua nội dung bài thơ, hãy trình bày cảm nhận của em về vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ Hồ Chí Minh.

Phương pháp giải:

Đọc kỹ tác phẩm, suy ngẫm và trình bày cảm nhận của mình về vẻ đẹp tâm hồn của Hồ Chí Minh.

Lời giải chi tiết:

Qua bài thơ Cảnh khuya, có thể thấy được vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ Hồ Chí Minh:

- Bác là một người có tình yêu lớn với thiên nhiên, luôn nhìn thấy vẻ đẹp của cảnh vật.

- Là một người đặt vận mệnh dân tộc lên trên hết, luôn đau đáu suy nghĩ về đất nước, về cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc; luôn khao khát nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc; hi sinh lợi ích, niềm vui cá nhân để cống hiến trọn đời cho dân tộc, cho đất nước.

- Bác là vị lãnh tụ mang trong mình một tâm hồn thi sĩ, rất trong sáng và gần gũi. Bác sáng tác thơ không phải với mục đích chính là làm nghệ thuật như các nhà thơ khác nhưng thơ Bác cũng đóng góp một phần không nhỏ cho văn học dân tộc, vừa kết nối giữa truyền thống và hiện đại, vừa mang phong thái trầm tư, tĩnh lặng của một nhà hiền triết phương Đông nhưng cũng không kém phần trẻ trung, hiện đại.

3.6 Câu 6 trang 48 SGK Văn 8/2 Cánh diều:

Viết một đoạn văn (khoảng 6 – 8 dòng) nêu cảm nghĩ của em về lí do Bác Hồ không ngủ được thể hiện trong bài thơ Cảnh khuya.

Phương pháp giải:

Học sinh tự viết đoạn văn theo yêu cầu của đề bài

Lời giải chi tiết:

Bài tham khảo:

 “Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”

Hai câu thơ đã gợi mở và cũng lý giải nguyên nhân vì sao Bác lại chưa ngủ. Thì ra, Lý do khiến Bác chưa ngủ được là vì “lo nỗi nước nhà”, lo cho sự nghiệp cách mạng và vận mệnh của dân tộc, lo cho cuộc sống của nhân dân. Mối lo đó làm cho trái tim Bác chưa yên mà vẫn thổn thức. Điều đó cũng có nghĩa là không chỉ một đêm, mà đã có rất nhiều đêm Bác không ngủ được. Bác luôn mơ đến một ngày đất nước được thái bình, nhân dân được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc trọn vẹn. Ở Bác có một tâm hồn nghệ sĩ thanh cao, thi vị lồng trong cốt cách của người chiến sĩ cộng sản bất khuất, kiên trung.  

Trên đây VUIHOC đã cùng các bạn Soạn bài Cảnh khuya sách Ngữ văn 8 tập 2 Cánh diều. Giữa hoàn cảnh chiến đấu cam go, bài thơ như vẽ lên một khung cảnh đầy thơ mộng, thi vị. Để học nhiều hơn các kiến thức của môn Ngữ văn cũng như các môn học, các em hãy nhanh tay truy cập và website vuihoc.vn hoặc đăng ký khoá học với các thầy cô giáo của VUIHOC ngay bây giờ nhé!

>> Mời bạn tham khảo thêm: 

Banner after post bài viết tag lớp 8
| đánh giá
Hotline: 0987810990