img
Thông báo
Sắp bắt đầu năm học mới, lớp hiện tại của bạn đang là lớp {{gradeId}}, bạn có muốn thay đổi lớp không?
img

Soạn bài Người mẹ vườn cau| Văn 8 tập 1 cánh diều

Tác giả Hoàng Uyên 17:17 22/04/2024 16,162 Tag Lớp 8

Văn bản Người mẹ vườn cau nói về kí ức của tác giả với bà nội - một người mẹ anh hùng giàu đức tính hy sinh. Qua đó, gửi gắm tới người đọc thông điệp về sự biết ơn và kính trọng những con người đã hi sinh vì lí tưởng của cách mạng, vì nền hòa bình độc lập và cả những người mẹ anh hùng. Cùng tham khảo phần soạn bài ngay!

Soạn bài Người mẹ vườn cau| Văn 8 tập 1 cánh diều
Mục lục bài viết
{{ section?.element?.title }}
{{ item?.title }}
Mục lục bài viết x
{{section?.element?.title}}
{{item?.title}}

1. Soạn bài Người mẹ vườn cau: Chuẩn bị 

1.1 Tác giả Nguyễn Ngọc Tư

- Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976 ở xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi thuộc tỉnh Cà Mau

+ Cô là một nhà văn và thành viên của Hội nhà văn Việt Nam. Năm 2018, cô được trao Giải thưởng Văn học Liberaturpreis 2018 do Litprom (một Hiệp hội quảng bá văn học của châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh tại Đức) bình chọn, dựa trên việc xem xét những bản dịch tiếng Đức tác phẩm nổi bật của những tác giả nữ đương đại tiêu biểu ở trong khu vực. Giải thưởng được trao hàng năm với mục đích tôn vinh những tác giả nữ đến từ châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và cả vùng Caribe.

+ Cô âm thầm đến với Văn học và đã thật sự tỏa sáng sau khi nhận được giải Nhất của cuộc thi Văn học tuổi 20 của Nhà xuất bản trẻ. Nguyễn Ngọc Tư được biết tới với tập truyện được mang tên Cánh đồng bất tận. Tập truyện đã được nhận giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam vào năm 2006 và truyện ngắn cùng tên đã được chuyển thể thành bộ phim điện ảnh vào năm 2010.

+ Một số tác phẩm tiêu biểu bao gồm: Cánh đồng bất tận, Biển người mênh mông, Giao thừa, Cái nhìn khắc khoải, Yêu người ngóng núi, Gáy người thì lạnh, Ngọn đèn không tắt, Khói trời lộng lẫy, Biển của mỗi người,…

1.2 Liên hệ tác phẩm về người mẹ, người bà 

- Tác phẩm viết về người mẹ và người bà có chủ đề gần với văn bản này chính là tác phẩm Trong lòng mẹ (tác giả Nguyên Hồng), đoạn trích kể lại một cách rất chân thực và cảm động những cay đắng và tủi cực cùng với tình yêu thương cháy bỏng của nhà văn vào thời thơ ấu đối với người mẹ bất hạnh và đáng thương của mình.

2. Soạn bài Người mẹ vườn cau: Đọc hiểu 

2.1 Chú ý vào tình huống khơi gợi cho nhân vật “tôi” về hình ảnh “người mẹ vườn cau”.

Trả lời:

Tình huống khơi gợi cho nhân vật “tôi” về hình ảnh “người mẹ vườn cau” chính là cô giáo giao đề bài làm văn về chủ đề “người mẹ”.

2.2 Nhận biết những trợ từ và thán từ trong văn bản.

Trả lời:

- Trợ từ: cả, chỉ, đến

- Thán từ: tiên tổ mầy, hở, nghen, ừ

2.3 Chú ý vào những lời thoại tái hiện lại hoàn cảnh của “người mẹ vườn cau”.

Trả lời:

Những lời thoại tái hiện lại hoàn cảnh của “người mẹ vườn cau”: là lời của người ba và nhân vật “tôi” khi nói đến “bà mẹ anh hùng”.

2.4 Chú ý vào lời thoại của nhân vật chú Biểu.

Trả lời:

- Lời thoại của nhân vật chú Biểu hết sức gần gũi, chứa đầy tình cảm khi nói đến má nhưng cũng không quên trách mắng người em không dành thời gian quan tâm đến má.

2.5 Phần (3) đã gợi mở về những vấn đề gì?

Trả lời:

Phần (3) đã gợi mở ra bài học về sự biết ơn và kính trọng đối với những người mẹ. Những điều về người mẹ dù có nói bao nhiêu lần cũng không thể nói hết được sự hi sinh thầm lặng, sự yêu thương quan tâm, chăm sóc và luôn dành những gì tốt đẹp nhất cho chúng ta.
>> Xem thêm: Soạn văn 8 Cánh diều 

3. Soạn bài Người mẹ vườn cau: Trả lời câu hỏi cuối bài 

3.1 Câu 1 trang 29 SGK văn 8/1 cánh diều 

Truyện ngắn ở trên viết về đề tài nào? Giải thích nhan đề Người mẹ vườn cau.

Phương pháp giải:

Đọc văn bản rồi trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

- Truyện ngắn trên viết về chủ đề sự biết ơn và kính trọng ở trong cuộc sống.

- Nhan đề rất ngắn gọn và đầy xúc tích khi nói đến hình ảnh người mẹ già sống ở nơi quê nhà có những đứa con hiên ngang và anh dũng đã sẵn sàng ra đi để bảo vệ Tổ quốc. Truyện đã viết về kí ức của tác giả về bà nội - một người mẹ anh hùng rất giàu đức hy sinh và đáng thương. Hình ảnh của người bà gắn liền với những vườn cau mà bà trồng. Qua đó cho chúng ta bài học về lòng biết ơn ở trong cuộc sống.

3.2 Câu 2 trang 29 SGK văn 8/1 cánh diều

Theo em, chủ đề ở trong truyện ngắn Người mẹ vườn cau là gì?

Phương pháp giải:

Đọc văn bản sau đó tóm lược chủ đề

Lời giải chi tiết:

Theo em, chủ đề trong truyện ngắn Người mẹ vườn cau nói về những con người giàu đức hi sinh và anh dũng vì lí tưởng cách mạng lớn lao, dám đánh đổi để có một nền hòa bình cho Tổ quốc ta.


 

3.3 Câu 3 trang 29 SGK văn 8/1 cánh diều

Truyện được kể bằng ngôi thứ mấy? Ngôi kể đó có tác dụng như thế nào?

Phương pháp giải:

Đọc truyện sau đó trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Truyện được kể bằng ngôi thứ nhất. Cách kể ấy giúp cho người kể thể hiện được những cảm xúc và cách nhìn cùng với tiếng nói nội tâm của nhân vật. Qua đó người đọc có thể cảm nhận rất rõ và hiểu hơn về cảm xúc của nhân vật.

3.4 Câu 4 trang 29 SGK văn 8/1 cánh diều

Cốt truyện của văn bản Người mẹ vườn cau có điều gì đáng chú ý?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ toàn bộ văn bản

Lời giải chi tiết:

Cốt truyện của văn bản trên không giống như các truyện ngắn thông thường khác. Truyện được kể dựa theo dòng hồi tưởng của nhân vật tôi. Mở đầu tác phẩm, tác giả đã nhắc tới việc làm văn về mẹ, với đề bài mở nhưng nhân vật “tôi” vẫn không thể nào nghĩ ra và không biết nên bắt đầu như nào. Sau đó nhân vật đã bắt đầu dòng hồi tưởng về người bà của mình. Cuối cùng kết truyện bài văn của nhân vật tôi chỉ được 4 điểm nhưng không buồn vì tả về mẹ thì đâu thể chỉ bằng vài câu.

3.5 Câu 5 trang 29 SGK văn 8/1 cánh diều

Hình ảnh “người mẹ vườn cau” đã được tái hiện với các chi tiết tiêu biểu nào? Em ấn tượng với chi tiết nào nhất? Tại sao?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ lại phần (1)

Lời giải chi tiết:

- Hình ảnh “người mẹ vườn cau” đã được tái hiện với nhiều chi tiết tiêu biểu:

+ Ba kể rằng hồi trước, ba cùng với hai chú ở trên bàn thờ là đồng chí, các chú ấy vô cùng hiên ngang và anh dũng, ba bảo bà nội chính là một bà mẹ anh hùng.

+ Nội đi bán ve chai

+ Nội gánh giỏ đi khắp đầu làng cuối xóm. Nội đưa thư cho ba. Nội đem thức ăn và tin tức.

+ Giá mà các chú vẫn còn sống, bây giờ nội đã có thêm cháu, đâu phải sống lủi thủi một mình.

+ Tôi nghe gai gai người, nhớ đến cái dáng còm cõi cùng với nụ cười phúc hậu và đôi mắt già nua nheo nheo.

- Em rất ấn tượng với chi tiết khi người ba nói rằng bà nội chính là một bà mẹ anh hùng. Nhắc đến đây, em vô cùng xúc động và càng cảm thấy biết ơn về sự hi sinh thầm lặng ấy. Bà là hậu phương vững chắc cho tất cả đứa con của mình đi chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Và khái niệm về anh hùng đã không có sự dập khuôn như suy nghĩ ban đầu của nhân vật “tôi”. Qua đó, em lại càng thấy biết ơn và trân trọng cuộc sống hơn vì những con người thế hệ trước đã vô cùng anh dũng, sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để đem đến hòa bình cho đất nước ngày hôm nay.

3.6 Câu 6 trang 29 SGK văn 8/1 cánh diều

Có người cho rằng, qua truyện ngắn này, tác giả đang muốn nhắn gửi tới người đọc thông điệp về truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Ý kiến của em như thế nào? (Trình bày ý kiến bằng đoạn văn khoảng 8 – 10 dòng).

Phương pháp giải:

Bày tỏ ý kiến và lí giải sao cho hợp lí

Lời giải chi tiết:

Đoạn tham khảo 1:

Qua văn bản “Người mẹ vườn cau”, tác giả Nguyễn Ngọc Tư luôn muốn gửi gắm tới tất cả người đọc về thông điệp truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Lòng biết ơn đã trở thành một truyền thống vô cùng tốt đẹp của chúng ta. Thế kỉ XX, đất nước ta đã phải trải qua hai cuộc chiến rất lớn để lại nhiều mất mát và đau thương cho con người Việt Nam. Đã có rất nhiều người phải hy sinh mạng sống của chính mình để đổi lại nền độc lập dân tộc trong đó còn có những người mẹ đã gạt nước mắt để tiễn con ra trận. Khi hoà bình được lập lại, con người quá mải mê với việc cơm áo gạo tiền mà quên đi quá khứ nhưng quá khứ đó vẫn mãi vẹn nguyên, thuỷ chung giống như hình ảnh của người mẹ vườn cau ngày ngày chờ đợi những cựu chiến binh tới thăm bà lúc về già. Văn bản cũng là lời cảnh tỉnh đối với những ai đã quên đi quá khứ, chúng ta cần phải vô cùng biết ơn thế hệ trước đã cho chúng ta có được cuộc sống như ngày hôm nay.

Đoạn tham khảo 2:

Sau khi đọc xong văn bản Người mẹ vườn cau, tác giả Nguyễn Ngọc Tư đã đem đến chúng ta một thông điệp vô cùng sâu sắc và ý nghĩa về truyền thống của dân tộc ta chính là “uống nước nhớ nguồn”. Nhờ có công lao vô cùng to lớn của những thế hệ đi trước, không ngại gian khổ và hiểm nguy đến tính mạng, mà chúng ta mới có được cuộc sống như ngày hôm nay, một cuộc sống không còn chiến tranh, bom đạn hay sự đau thương và mất mát. Từ đó, văn bản đã răn dạy chúng ta cần phải có lòng biết ơn tới những anh hùng đã hi sinh vì nền độc lập nước nhà, đồng thời cần phải tích cực rèn luyện bản thân để có thể góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, vững chắc.

Đoạn tham khảo 3:

Câu chuyện Người mẹ vườn cau, tác giả Nguyễn Ngọc Tư đã gợi cho chúng ta suy nghĩ về truyền thống của dân tộc “uống nước nhớ nguồn”. Truyền thống đó đã được hình thành và phát triển từ lịch sử dựng nước và giữ nước từ hàng nghìn năm trước của dân tộc Việt Nam. Điều đó gợi về lòng biết ơn trong mỗi con người và lan tỏa được tình cảm ấy ra cộng đồng; tạo nên những thông điệp vô cùng tích cực và truyền thống biết ơn giúp cho con người ở trong một nước thêm đoàn kết và gắn bó với nhau hơn. Một đất nước mà con người có thể hiểu và biết ơn những giá trị mà chính bản thân mình được hưởng sẽ là một đất nước có tiềm năng phát triển bền vững trên cơ sở của lòng biết ơn và tinh thần đoàn kết.

Đoạn tham khảo 4:

Có người nói rằng, qua truyện ngắn Người mẹ vườn cau, tác giả muốn nhắn gửi tới người đọc về thông điệp truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Theo tôi, quan điểm nêu trên là hoàn toàn đúng đắn. Trước hết, cần phải hiểu được truyền thống “uống nước nhớ nguồn” muốn nói tới lối sống biết ơn và trọng tình nghĩa. Ở trong truyện ngắn này, tác giả đã khắc họa về hình tượng trọng tâm trong truyện là một bà mẹ Việt Nam anh hùng, từ đó gửi gắm lòng kính trọng cùng với sự biết ơn sâu sắc. Hình ảnh nội ở vườn cau được hiện lên thông qua lời kể của “tôi” - vẫn còn là một đứa trẻ - nhưng thật đẹp đẽ và cao cả. Nhân vật “tôi” vẫn thường được ba đưa về nhà để thăm nội ở vườn cau, nghe kể chuyện về cuộc đời của chính nội. Đặc biệt, ở gần cuối truyện, ba của nhân vật “tôi” vì quá mải mê công việc mà không thể về thăm nội ở vườn cau. Đó giống như một lời cảnh tỉnh đối với những người đã quên mất quá khứ. Như vậy, có thể thấy rằng, ý kiến đánh giá nêu trên là hoàn toàn chính xác và sâu sắc.
 

Chúng ta luôn luôn cảm thấy tự hào và biết ơn về những cống hiến mà thế hệ đi trước đã cố gắng để cho chúng ta có được cuộc sống bình yên như ngày hôm nay. Điều này còn được thể hiện rất rõ ràng khi các em tham khảo Soạn bài Người mẹ vườn cau phía trên. Ngoài bài soạn này ra, khi muốn tham khảo thêm bất kỳ bài soạn nào khác có trong chương trình ngữ văn nói riêng hay những bài soạn khác có trong môn học khác nói chung, các em hãy truy cập nhanh vào website của VUIHOC là vuihoc.vn để có thể tự đăng ký khoá học một cách nhanh chóng và được giảng giải trực tiếp từ các thầy cô giáo VUIHOC vô cùng đáng yêu và nhiệt huyết.

>> Mời bạn tham khảo thêm: 

Banner after post bài viết tag lớp 8
| đánh giá
Hotline: 0987810990