img
Thông báo
Sắp bắt đầu năm học mới, lớp hiện tại của bạn đang là lớp {{gradeId}}, bạn có muốn thay đổi lớp không?
img

Soạn bài Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (kịch)

Tác giả Hoàng Uyên 09:24 09/07/2024 598 Tag Lớp 9

Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm kịch đòi hỏi người viết phải có sự hiểu biết sâu sắc về tác phẩm, khả năng tư duy logic và kỹ năng viết lách sắc bén. Soạn bài Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (kịch) dưới đây VUIHOC sẽ cung cấp cho bạn hướng dẫn chi tiết để hoàn thành bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm kịch một cách hiệu quả.

Soạn bài Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (kịch)
Mục lục bài viết
{{ section?.element?.title }}
{{ item?.title }}
Mục lục bài viết x
{{section?.element?.title}}
{{item?.title}}

Soạn bài Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (kịch)

Đề bài: Viết bài văn phân tích vở kịch “Hồn Trương Ba da hàng thịt”.

1. Bài viết tham khảo 1

Nhà văn Lưu Quang Vũ là một tài năng đa tài của nền nghệ thuật Việt Nam từ các thế kỉ trước. Bằng tài năng của mình, ông đã để lại cho đời rất nhiều tác phẩm hay và ý nghĩa như Tôi và chúng ta; Nàng Sita; Sống mãi tuổi 17; Ngọc Hân công chúa,... Trong đó, tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt được xem là một trong những vở kịch đặc sắc nhất của Lưu Quang Vũ. Vở kịch này là một bài ca về vẻ đẹp tâm hồn người lao động trong công cuộc đấu tranh chống lại sự giả tạo, dung tục và khát vọng hoàn thiện nhân cách.

Vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” được tác giả Lưu Quang Vũ viết vào năm 1981, công diễn lần đầu tiên năm 1984. Vở kịch được gợi dẫn từ cốt truyện dân gian, thực chất đó là sự cải biên một truyện cười dân gian. Trong khi tác giả dân gian chỉ đơn giản tạo ra một tình huống oái oăm nhằm gây tiếng cười phê phán thì Lưu Quang Vũ đã biến nó thành một tấn bi kịch tâm lí. Đoạn trích phân tích năm ở cảnh VII và đoạn kết của vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”.

Đến cảnh VII của vở kịch, xung đột giữa hồn và xác đã được đẩy lên đỉnh điểm, nút thắt siết chặt đến cao độ và cũng là lúc người đọc thấu hiểu tấn bi kịch mang tên: “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Đầu tiên đó là bi kịch sống nhờ, sống gửi, tồn tại trái với lẽ tự nhiên của hồn Trương Ba. Bi kịch ấy được tác giả thể hiện rõ qua màn đối thoại giữa hồn Trương Ba khi đã tách khỏi xác anh hàng thịt, còn “thân xác bằng thịt vẫn ngồi nguyên trên chõng và lúc này chỉ còn là thân xác”. Hồn Trương Ba nhân hậu, trong sáng, thanh cao nhưng lại đặt trong thân xác của một anh hàng thịt thô lỗ, phàm tục, đầy sức mạnh bản năng tục tằn. Lúc nào hắn cũng chỉ nghĩ đến “cái món tiết canh, cổ hũ, khấu đuôi…”. “Tôi chán cái chỗ ở không phải của tôi này lắm rồi”…

Cuộc tranh luận giữa hồn và xác diễn ra rất quyết liệt. Dường như có lúc tiếng nói của xác thịt lấn át tiếng nói của linh hồn, đẩy linh hồn vào thế bị động, một mực phủ nhận lí lẽ của xác anh hàng thịt “lí lẽ của anh thật ti tiện”. Chỉ còn biết ngao ngán rồi thở dài một tiếng “Trời!”. Qua đó, có thể thấy rằng hồn Trương Ba đang ở trong tâm trạng vô cùng bức bối, đau khổ tột cùng. Những câu cảm thán ngắn, dồn dập cùng ước nguyện khắc khoải của linh hồn đã nói nói lên điều đó. Màn đối thoại giữa hồn Trương Ba với xác anh hàng thịt chính là sự ẩn dụ về cuộc đấu tranh giữa tâm hồn và thân xác ở trong một con người. Đó là tiếng nói bản năng và những tác động ghê gớm của nó vào linh hồn. Mặc cho linh hồn luôn đấu tranh vượt lên những đòi hỏi không chính đáng của thể xác nhưng khó tránh khỏi những tác động đó. Hồn Trương Ba cũng có những dấu hiệu của sự tha hóa: trở nên thô lỗ tát con đến chảy máu mồm, thèm rượu thịt, thèm ăn ngon, …

Tiếp đến là bi kịch bị chối bỏ bởi những người xung quanh được thể hiện rõ qua màn đối thoại giữa hồn Trương Ba với những người thân. Tình trạng tồn tại ở bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo của Hồn Trương Ba khiến vợ ông đau khổ tới mức định bỏ nhà ra đi dù bà là người hiền lành và cam chịu. Cái Gái cũng quyết liệt không chịu nhận ông nội “Tôi không phải là cháu ông…Ông nội tôi chết rồi”, “Ông nội đời nào thô lỗ và phũ phàng như vậy”, “Ông xấu lắm, ác lắm! Cút đi”. Nó đã tố cáo Hồn Trương Ba làm gãy cây trong vườn, rồi dẫm nát cây sâm quý của ông nội đã mất và còn làm hỏng cái diều của thằng cu Tị… Dù cái Gái là đứa cháu rất yêu thương ông nội, đêm nào cũng khóc thương ông, nâng niu cất giữ từng kỷ niệm của ông. Nhưng nó vẫn chỉ là đứa trẻ nhỏ, tâm hồn ngây thơ, trong sáng, thánh thiện nên không thể chấp nhận sự thô lỗ, tầm thường của linh hồn ông nội đang trú ngụ trong thân xác anh hàng thịt. Có lẽ người hiểu và thương Trương Ba nhất nhà là chị con dâu, nhưng trước tình cảnh đó chị cũng phải nói rằng: “mỗi ngày thầy một đổi khác đi, mất mát dần”. Càng thương bố chồng, con dâu càng đau khổ, tuyệt vọng trong câu hỏi “làm sao giữ được thầy ở lại, hiền hậu, vui vẻ, tốt lành như thầy của chúng con xưa kia”. Than ôi! Còn gì có thể đau đớn và hổ thẹn hơn khi mà bị chính những người thân của ta ruồng bỏ… Có lẽ đó chính là bi kịch dằn vặt nhất đối với Trương Ba của hiện tại.

Bi kịch nối tiếp những bi kịch khi Đế Thích khuyên Trương Ba chấp nhận thế giới không toàn vẹn, thể hiện cái nhìn quan liêu, hời hợt về cuộc sống con người. Đó chính là bi kịch sửa sai càng thêm sai. Trương Ba đã bị chết oan uổng vì “một lầm lẫn của quan thiên đình”. Để sửa sai, Đế Thích đã cho hồn Trương Ba sống trong thân xác của anh hàng thịt và tồn tại ở tình trạng trái với tự nhiên một thời đã khiến cho hồn Trương Ba nhận ra rằng “có những cái sai không thể sửa được. Chắp vá gượng ép chỉ càng làm sai thêm”. Chỉ có cách cố gắng đừng sai mà thôi, nếu lỡ sai rồi hãy làm một việc đúng khác để bù lại. Khi Trương Ba kiên quyết đòi trả xác lại cho anh hàng thịt, Đế Thích định cho hồn của ông nhập vào cu Tị. Bằng sự quyết liệt của mình, Hồn Trương Ba không chấp nhận mà chỉ xin tiên Đế Thích trả lại cuộc sống cho cu Tị – một cậu bé ngoan ngoãn, đáng yêu và rất thân thiết với ông và cái Gái hồi ông còn sống. Có lẽ sự lựa chọn đó mới làm cho linh hồn của Trương Ba thanh thản. Ông nhận ra con người là một thể thống nhất, hồn xác phải hài hòa đồng thuận. Sống phải được là chính mình. Sự bất tử của con người nằm trong ý nghĩa của sự sống và sự hóa thân vào cuộc sống xung quanh.

Khép lại vở kịch, Trương Ba chấp nhận cái chết để không còn cái vật quái gở mang tên “Hồn Trương Ba da hàng thịt” nữa. Đây có lẽ là một kết cục đầy bi kịch chứ không phải kết thúc có hậu như ở cốt truyện dân gian trước đó. Nhưng đó lại là cái kết của sự chiến thắng cái xấu, cái ác và của những điều tốt đẹp, bản lĩnh. Vở kịch này được đánh giá là một vở “bi kịch lạc quan” bởi tuy rằng Trương Ba không còn được sống nhưng những giá trị đích thực của cuộc sống được bảo toàn. Dù không còn trên cõi trần nhưng Trương Ba sẽ còn sống mãi trong lòng người thân, bạn bè với tất cả những gì tốt đẹp nhất.

Dưới ngòi bút của nhà viết kịch điêu luyện Lưu Quang Vũ thì những bi kịch của hồn Trương Ba trong đoạn trích được thể hiện một cách sinh động, đầy kịch tính thông qua những màn đối thoại cùng sự xung đột. Sự hấp dẫn của kịch bản với nghệ thuật tạo dựng tình huống độc đáo, xây dựng và dẫn dắt xung đột kịch vô cùng hợp lí và nghệ thuật dựng hành động kịch sinh động đã góp phần đem đến sự thành công cho tác phẩm. Đặc biệt, vở kịch được tạo nên bởi yếu tố huyền thoại, không có thực. Qua đó Lưu Quang Vũ đã làm sáng tỏ một hiện thực: Trong xã hội xưa, tình trạng con người không làm chủ được bản thân, không được sống như mình mong muốn không phải là hiếm. Hàng loạt nhân vật của nhà văn Nam Cao cũng rơi vào tình trạng bi kịch như thế như: Chí Phèo, Bà cái Tí, anh cu Lộ…

Nằm ở phần kết của vở kịch “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, đoạn trích đã thể hiện rõ tài năng của nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ. Nó cho thấy được kịch Lưu Quang Vũ đặc sắc trên rất nhiều phương diện như: tiếng nói phê phán gay gắt, quyết liệt những hiện thực trong xã hội cũ hay sự kết hợp giữa tính hiện đại với các giá trị truyền thống,… Vở kịch nói chung và đoạn trích nói riêng đã đem đến cho người đọc những bài học quý giá: Được sinh ra trên đời là một hạnh phúc, nhưng sẽ hạnh phúc hơn nếu ta được sống là chính mình, được sống một cách trọn vẹn với những giá trị vốn có và sẽ mãi theo đuổi nó đến cùng.

>> Xem thêm: Soạn văn 9 kết nối tri thức

2. Bài viết tham khảo 2

Một triết gia người Đức từng nói: “Anh phải trở về cái gì của chính anh”. Câu nói ấy là tiếng nói phải được sống là chính mình để có thể trở thành một con người hoàn thiện. Tiếng nói ấy cũng gợi cho ta nghĩ tới vở kịch “ Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Thông qua nhân vật Hồn Trương Ba cũng đã bật lên tiếng gọi, lời khẩn cầu tha thiết được sống là chính mình “Không thể sống bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. Chỉ với câu nói ấy nhưng tác phẩm cũng toát lên một nỗi niềm, nỗi bi kịch đau đớn cùng với khát vọng chính đáng của nhân vật Hồn Trương Ba.

Soi chiếu vào nhân vật Hồn Trương Ba, ta nhận thấy nhân vật này là một nhân vật bi kịch. Đó là nỗi bi kịch về tinh thần đau đớn của nhân vật. Bi kịch ấy xuất phát từ nỗi niềm muốn sửa sai của Đế Thích-một viên quan nhà trời và là bạn chơi cờ của ông Trương Ba đã nhập hồn Trương Ba vào xác của anh hàng thịt. Kể từ đây mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh, một con người được kết hợp bởi hai thực thể hoàn toàn đối lập, trái ngược nhau. Một Trương Ba với tình yêu thiên nhiên, yêu gia đình, luôn hòa nhã với mọi người, có tài đánh cờ lại kết hợp với xác anh hàng thịt là một tên chuyên giết lợn, cộc cằn, ham rượu, ham đàn bà. Giữa hai thực thể đối lập nhau đã dần khiến Hồn Trương Ba tha hóa, biến chất. Hồn người này kết hợp với xác người kia là một việc đi ngược lại với quy luật tự nhiên vốn có, là sự áp đặt tùy tiện, máy móc. Cuối cùng Hồn Trương Ba biến chất một cách thảm hại, đau đớn, xót xa. Về hành động, Trương Ba không còn thường xuyên đánh cờ nữa, trí tuệ không còn minh mẫn, sáng suốt. Là một người làm vườn, cây cối vốn là thứ mà trước đây ông hết sức yêu quý và nâng niu, nhưng nay ông còn phá hoại chúng trên thân xác xù xì, thô kệch của anh hàng thịt: “ông làm gãy tiệt cái chồi non… chân ông giẫm lên nát cả cây sâm quý mới ươm” trong vườn. Không chỉ vậy , hồn Trương Ba còn “làm hỏng mất cái diều đẹp mà cu Tị rất quý”, “lãm gãy cả nan rách giấy” thậm chí còn “tát người con trai toét máu mồm, máu mũi”. Về cách sống, tính cách Trương Ba dường như thay đổi hẳn, không còn vui vẻ, hiền hậu, tốt bụng với những người trong gia đình và với mọi người xung quanh. Ông trở nên cộc cằn, và thô lỗ, còn bị thân xác lấn át khi ham muốn vợ anh hàng thịt. Như vậy, từ hành độngcho  tới cách sống của Hồn Trương Ba hoàn toàn biến mất, bị tha hóa chính là nỗi đau đớn của Hồn Trương Ba. Bởi ông hiểu rằng cái tôi của mình trước đây, của một người làm vườn vốn là biểu tượng của cái đẹp, nhưng giờ đây con người ấy lại hòa vào xác anh hàng thịt lại là biểu tượng của sự cộc cằn, thô lỗ, hung bạo, ham dục vọng. Thử hỏi sao mà không tha hóa, biến chất sao được. Chính Hồn Trương Ba đã phải bộc lộ: “ Không thể sống bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. Lời nói ấy của Hồn Trương Ba biểu hiện sự day dứt, giày vò khi con người ngày trước đã bị biến mất hoàn toàn, quyết liệt bày tỏ với thái độ dứt khoát “ Không! Không! Tôi không muốn sống như thế này mãi! Tôi chán cái chỗ ở không phải của tôi này lắm rồi, chán lắm rồi! Cái thân thể kềnh càng thô lỗ này ta bắt đầu sợ mi, ta chỉ muốn rời mi ngay tức khắc ”. Chưa dừng lại ở đó, Hồn Trương Ba còn bộc lộ ra sự ghê tởm, chán chường của mình trước thân xác anh hàng thịt “ Nếu cái hồn của ta có hình thù riêng ” , ta sẽ “ tách ra khỏi cái xác này dù chỉ là một lát ”. Qua những suy nghĩ và lời nói của Hồn Trương Ba, có thể thấy rõ Lưu Quang Vũ đã đi sâu vào đời sống nội tâm nhân vật, ông thấu hiểu và cảm thông với nỗi đau đớn của Hồn Trương Ba.

Song bi kịch của Hồn Trương Ba không dừng lại ở đó, ông lâm vào bi kịch thứ hai có phần đau đớn hơn bi kịch trước. Đó là ông bị gia đình nghi ngờ, xem thường và xa lánh. Tất cả mọi người thân trong gia đình từ vợ, con trai cả, đứa cháu gái và cả người con dâu ai ai cũng trở nên xa lạ, nghi ngờ và xem thường ông bởi họ không tìm thấy ở ông một ông Trương Ba làm vườn hiền lành, đôn hậu. Bà vợ đã tâm sự với ông: “ Ông đâu còn là ông, đâu còn là ông Trương Ba làm vườn ngày xưa” và bà đã quyết định “ Có lẽ tôi phải đi… đi cấy thuê, làm mướn, ở đâu cũng được…, đi biệt… Để ông được thảnh thơi… với cô vợ hàng thịt… Còn hơn là thế này…”. Những suy nghĩ ấy của vợ Trương Ba xuất phát từ nỗi đau trong tâm hồn người vợ, khi bà biết chồng mình đâu còn là con người của trước đây. Rồi cả người con trai cả, trước kia luôn vâng lời lắng nghe ý kiến của cha nhưng nay anh đã “ quyết định, dứt khoát sẽ bán khu vườn để có tiền mở thêm vốn liếng cửa hàng thịt” dù cho Hồn Trương Ba không chấp nhận. Và hình ảnh cái Gái vốn rất yêu thương và kính mến ông nội nhưng nay nó cũng không thừa nhận ông. Đồng thời nó cũng lên án hành động thô bạo, tàn nhẫn, phá hỏng cái diều của cu Tị, giẫm nát cây cối trong vườn, và phẫn nộ hét lên: “ Ông xấu lắm, ác lắm ! Cút đi ! Lão đồ tể cút đi !” rồi  nó lại nói tiếp: “ Nếu ông nội tôi hiện về được, hồn ông nội tôi sẽ bóp cổ ông”. Ngay cả người con dâu luôn cảm thông, hiểu rõ nỗi đau khổ của bố chồng nhưng sâu trong thâm tâm vẫn còn nghi ngờ người bố chồng hiện nay. Người con dâu đã tâm sự với ông rằng: “ Thầy bảo con: Cái bên ngoài là không đáng kể, chỉ có cái bên trong, nhưng thầy ơi, con sợ lắm, bởi con cảm thấy, đau đớn thấy… mỗi ngày thầy một đổi khác dần, mất mát dần, tất cả cứ như lệch lạc, nhòa mờ dần đi, đến nỗi có lúc chính con cũng không nhận ra thầy nữa”. Lời tự bạch của cô con dâu rất đỗi chân thật, cảm thông nỗi khổ của bố chồng khi đã đánh mất những gì tốt đẹp của ngày xưa rồi cô lại tiếp tục nói: “Thầy ơi! Làm sao, làm sao giữ được thầy ở lại, hiền hậu, vui vẻ, tốt lành như thầy của chúng con ngày xưa”. Hàng loạt suy nghĩ từ những người thân trong gia đình đã chứng tỏ ai cũng xa lánh, nghi ngờ, xem thường Trương Ba  của hiện tại. Như vậy, giữa hai thực thể, một là người làm vườn biểu tượng cho cái đẹp và một là thân xác tên đồ tể biểu tượng cho cái xấu, cái ác đã làm cho nhân vật Trương Ba không còn nguyên vẹn “hồn nào xác ấy” như xưa được nữa.

Chính vì lâm vào hai bi kịch trên, Hồn Trương Ba đã mời Đế Thích về tỏ bày khát vọng chính đáng của mình: “Không thể sống bên trong một đằng bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. Hồn Trương Ba tha thiết trả lại xác anh hàng thịt và cho mình được chết bởi ông nghĩ rằng: “ Tôi đã chết rồi, hãy để tôi chết hẳn”. Nhưng Đế Thích vẫn muốn Trương Ba được sống để tiếp tục có người đánh cờ cùng, có người khen mình là tiên cờ nên đề nghị Hồn Trương Ba nhập vào xác của cu Tị ( con chị Lụa ) vừa mới chết. Nhưng cách giải quyết này của Đế Thích cũng vẫn là đi ngược lại với quy luật của tạo hóa, đâu khác gì với hoàn cảnh thực tại của mình. Cuối cùng Hồn Trương Ba đã yêu cầu Đế Thích cho anh hàng thịt và cu Tị được sống, được trở về với gia đình và hãy để Trương Ba chết. Hồn Trương Ba nói: “ Sống nhờ vào đồ đạc, của cải của người khác đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!”. Lời nói ấy đã cho thấy rõ sự tắc trách của các quan nhà trời, càng sửa càng sai, càng làm cho con người rơi vào cảnh bế tắc, đau khổ và đánh mất chính mình. Suy nghĩ của Hồn Trương Ba đó là dù không còn trên cõi đời này nhưng hình ảnh ông Trương Ba hiền hậu, vui vẻ sẽ luôn mãi sống trong lòng mọi người với tình yêu thương và lòng kính trọng. Đó là một khát vọng sống chính đáng. Vở kịch khép lại với kết thúc bằng cái chết của nhân vật Trương Ba nhưng lại lấp lánh tính nhân văn và triết lý. Đó là một hướng giải quyết rất phù hợp với lẽ tự nhiên, với quy luật đạo đức và con người.

Để làm nên sự thành công của vở kịch, ta không thể không nhắc tới nghệ thuật xây dựng tình huống đầy kịch tính cùng lời thoại nhân vật sống động, chân thật, đi sâu vào nội tâm nhân vật đã khắc họa lên nhân vật Hồn Trương Ba với những bi kịch nhưng đậm chất nhân văn. Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã thổi vào nền kịch nói Việt Nam sau 1975 một làn gió mới. Và chắc chắn rằng sức sống của nó sẽ còn mãi trong lòng người đọc đến hôm nay và cả mai sau.

Khóa học DUO cung cấp cho các em nền tảng kiến thức vững chắc, bứt phá điểm 9+ trong mọi bài kiểm tra trên lớp.

3. Bài viết tham khảo 3

Những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường được tiếp xúc với nền văn học nước nhà với biết bao nhiêu thể loại phong phú luôn là những kí ức, dấu ấn khó phai nhất trong tâm hồn mỗi người. Tôi không sao quên được những vần thơ mặn nồng thiết tha và tràn  đầy xúc cảm của Chế Lan viên, Hàn Mặc Tử hay những câu thơ chạm đáy hồn nhân thế trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Tôi cũng không thể nào không nhớ bát cháo hành đầy tình người của nhân vật Thị Nở trong những trang văn của Nam Cao hay nỗi xót xa, đắng cay cho số phận người con gái tài năng nhưng số phận kém may mắn của nàng Mị trong “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài. Đến với kịch Việt Nam, Lưu Quang Vũ đã khiến tôi cũng không khỏi trăn trở trước những tấn bi kịch của con người qua vở kịch:"Hồn Trương Ba, da hàng thịt".

Trong vở kịch, nhân vật Trương Ba vốn là một người hiền lành, nổi tiếng với tài chơi cờ. Ông rất chăm chỉ làm ăn, lại làm vườn rất giỏi và có một cuộc sống hạnh phúc bên gia đình. Trớ trêu thay, vì sự tắc trách của Nam Tào ở trên thiên đình mà Trương Ba buộc phải chết. Để sửa chữa cho lỗi lầm của mình họ đã để hồn Trương Ba nhập vào xác anh hàng thịt để tồn tại. Song, dường như hàng tấn bi kịch lớn lại bắt đầu từ đây. Trương Ba vốn là người có tâm hồn trong sạch, nhân hậu, thủy chung nhưng khi bị nhập vào xác anh hàng thịt lại khiến Trương Ba vô cùng bức bối và phải chịu sự chi phối rất nhiều từ cái xác thô kệch ấy. 

Cuộc sống "bên trong một đằng bên ngoài một nẻo" khiến Trương Bạ chẳng dễ dàng gì để đối mặt với mọi người và sống cuộc sống bình thường như khi trước. Ở trong xác hàng thịt, Trương Ba làm mọi việc rất vụng về và khó khăn, thậm chí có phần thô lỗ, hung bạo, ngày càng trở nên xấu xa hơn. Trương Ba đang bị xác của anh hàng thịt điều khiển,  ông không kiềm chế, điều chỉnh được những cảm xúc của chính mình nữa. Trương Ba cảm thấy vô cùng bực tức, giận dữ khi không thể nào thoát được khỏi cái thân xác tồi tệ kia, dù đã đưa ra mọi lý lẽ nhưng anh hàng thịt chỉ cười nhạo hả hê và coi đó là sự hiển nhiên và đưa ra những lí do vô cùng ti tiện, ngông cuồng. Hơn ai hết, ngay lúc này đây, Trương Ba hiểu được sự đau đớn tột cùng với đống bi kịch của cuộc đời mình.

Khi nói chuyện với những người thân yêu trong gia đình mình, Hồn Trương Ba càng thấm thía hơn những cảm nhận của họ. Ông hiểu được rằng họ cũng có những cảm xúc và khó khăn riêng. Một người vợ vốn ở bên cạnh ông bao năm, luôn bao dung, nhân hậu vậy mà giờ đây cũng không thể chịu đựng, chấp nhận được nữa. Đứa con dâu bấy lâu luôn yêu thương ba chồng cũng bày tỏ những nỗi xót xa mà cô có thể hiểu cho cuộc sống của ông, nhưng rồi cô cũng phải nghẹn ngào bày tỏ: "Thầy bảo con cái bên ngoài là không đáng kể...đến nỗi có lúc chính con cũng không nhận ra thầy nữa". Còn cái Gái khi xưa vốn hết mực kính trọng người ông yêu quý của mình, bây giờ cũng hoảng sợ, hắt hủi trước bộ dạng này của ông. Trong trí nhớ ngây thơ của đứa bé ấy, ông là một người hiền hậu, khéo léo chứ không phải là một kẻ to béo, hậu đậu, thô lỗ kia. Bé đã thẳng thắn từ chối, không chấp nhận một ai khác ngoài ông nội trong tiềm thức của nó: "Tôi không phải là cháu ông....ông nội tôi chết rồi". Càng nghĩ thì càng đau khổ, càng sống lại càng xót xa. Dường như nỗi chán chường đến tận cùng cái thể xác không phải là mình, không là của mình đã khiến ông phải thốt lên rằng: "Không cần đến cái đời sống do mày mang lại. Không cần" bằng một sự dứt khoát vô cùng mãnh liệt trước cái xác anh hàng thịt.

Cuối cùng, để giải thoát, ông đã tìm đến Đế Thích. Ông thể hiện sự phản kháng của mình với thân xác xấu xa kia với thần Đế: "Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn". Mặc vị thần kia cố giải thích rằng cuộc sống không có gì là hoàn hảo cả, nên chấp nhận sự không toàn vẹn của bản thân mình, Trương Ba vẫn một mực khẳng định rằng: "Sống nhờ vào đồ đạc, của cải của người khác… nhưng sống thế nào thì ông chẳng cần biết". Câu nói của Trương Ba đã khiến Đế Thích thấy vô cùng kì lạ bởi trong ông luôn tồn tại ý nghĩa sẽ không bao giờ có điều gì toàn vẹn cả trong cuộc sống này, kể cả ở chốn trần gian hay nơi thiên đình. Khi thoả hiệp cho Trương Ba nhập vào xác của cu Tị, ông vẫn kiết quyết từ chối. Hơn ai hết, có lẽ giờ đây hồn Trương Ba đã hiểu được rằng, không thể có một cuộc sống ý nghĩa thực sự nếu sống nhờ thân xác của kẻ khác. Chấp nhận cái chết không phải điều dễ dàng nhưng sống mà không được là mình càng khó khăn hơn gấp bội.

Cuộc đấu tranh giữa hồn Trương Ba và da hàng thịt chính là cuộc đấu tranh giữa phần "con" và phần "người" trong một bản thể. Con người để có thể tồn tại đích thực với giá trị sống bền vững và cao đẹp nhất chỉ khi có sự hoà hợp giữa linh hồn và thể xác. Không thể có chuyện một tâm hồn thanh cao sống nhờ vào thân xác của một kẻ thô tục, dối trá. Vì vậy, Trương Ba đã lựa chọn cái chết để được sống là mình toàn vẹn, và bảo vệ cho tâm hồn đẹp đẽ của mình trước những sự tha hoá, thô bạo,  dụng tục,.. để vươn tới những vẻ đẹp tinh thần chính là lựa chọn hợp lí cho thấy được tinh thần đấu tranh của con người lao động lương thiện và phẩm chất cao quý.

Vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” để lại cho chúng ta những bài học nhận thức đầy suy ngẫm mà vô cùng giá trị. Đó chính là sự tổng hoà giữa vật chất và tinh thần trong đời sống của con người, cần phải dùng hoà để phát triển. Đừng bao giờ chạy theo ham muốn vật chất tầm thường mà khiến cho bản thân trở nên mất giá trị và cũng đừng bao giờ chỉ vì coi trọng đến tinh thần mà bỏ bê đời sống vật chất. Phải biết thích nghi với hoàn cảnh và giữ cho bản thân không bị chi phối. Đó còn là triết lý sống về hiện tượng sống nhờ, sống gửi vào người khác. 

Bằng tài năng của mình, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã xây dựng nên một vở kịch vô cùng thành công trên nhiều phương diên. Nghệ thuật ngôn từ giản dị cùng ngôn ngữ đối thoại khắc đã hoạ rõ tính cách của từng nhân vật, xung đột kịch hấp dẫn và gây cấn. Nội dung vô cùng sâu sắc và chứa tầng sâu giá trị triết lý, bởi vậy mà tác phẩm luôn sống mãi với đời sống văn học, văn hoá của dân tộc qua bao năm tháng.

4. Bài viết tham khảo 4

"Trên sân khấu cuộc đời, con người ta không ngừng diễn vai, đổi mặt nạ. Nhưng liệu họ có thể giữ được bản ngã thật của mình hay không?" - Hình ảnh ẩn dụ này đã gợi mở về những vấn đề mà vở kịch đề cập, đồng thời tạo ra sự liên tưởng thú vị cho người đọc. "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" là một câu chuyện nói về sự hoán đổi linh hồn, nhưng nó cũng là một câu chuyện về con người, về bản ngã và những giá trị đích thực của cuộc sống.

Hồn Trương Ba, da hàng thịt là một kiệt tác của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, ra đời vào năm 1979, vở kịch trở thành một kiệt tác châm biếm sâu sắc, ẩn chứa bài học vô cùng sâu sắc về giá trị cuộc sống, bản chất con người và sự đấu tranh giữa cái thiện và ác. Vở kịch xoay quanh nhân vật Trương Ba là một lão nông chất phác, hiền lành sau khi chết được Đế Thích cho sống lại ở trong thân xác của anh hàng thịt thô lỗ, cục cằn. Tình huống trớ trêu này dẫn đến những bi kịch, mâu thuẫn nội tâm gay gắt và bài học sâu sắc về giá trị cuộc sống.

Vở kịch mở đầu với cảnh Trương Ba qua đời vì bệnh. Vì thương xót cho người bạn hiền, Đế Thích cho hồn Trương Ba sống lại ở trong thân xác anh hàng thịt mới qua đời. Tuy nhiên, do sự nhầm lẫn của Nam Tào, hồn Trương Ba nhập vào xác anh hàng thịt, một người hoàn toàn khác biệt về ngoại hình và tính cách. Bi kịch trớ trêu của hồn Trương Ba trong vở kịch này của Lưu Quang Vũ không chỉ đơn thuần là sự mâu thuẫn giữa hồn và xác mà nó còn là sự xung đột giữa bản ngã và khát vọng, giữa hiện thực và lý tưởng, tạo nên một bi kịch sâu sắc, đa chiều và ám ảnh.

Đầu tiên, mâu thuẫn giữa hồn và xác là bi kịch chủ đạo, xuất phát từ tình huống trớ trêu: hồn Trương Ba thì hiền lành, chất phác lại bị nhốt trong thân xác anh hàng thịt thô lỗ, cục cằn. Mâu thuẫn này thể hiện qua nhiều khía cạnh. Về ngoại hình, Hồn Trương Ba vốn có ngoại hình giản dị, phúc hậu, "tóc bạc như sương, râu dài chấm ngực", "mắt hiền từ", "da dẻ nhăn nheo". Thân xác anh hàng thịt lại to lớn, vạm vỡ, "mắt quặm mày cau", "giọng nói gầm lên". Mâu thuẫn này thể hiện rõ nét qua lời đối thoại của Trương Ba với vợ: "Vợ Trương Ba: (nhìn Trương Ba) Sao hôm nay anh lại khác lạ thế? Trương Ba: Khác lạ thế nào? Vợ Trương Ba: Mặt anh đỏ gay, mắt anh quặm mày cau, giọng anh gầm lên...". Về tính cách: Hồn Trương Ba hiền lành, chất phác, "sống một đời ăn cơm độn khoai, canh rau, nói câu nặng nhất là câu "thôi đi mà!"." Anh hàng thịt thô lỗ, cục cằn, "hay chửi bậy, thích ăn nhậu, cờ bạc." Mâu thuẫn này thể hiện qua những hành động của Trương Ba: Khi nhìn thấy Cái Gái, cháu gái mình, Trương Ba có những hành động thiếu suy nghĩ, trái với đạo đức; Trương Ba thường xuyên nhậu nhẹt say xỉn, bỏ bê công việc, gia đình; Trương Ba đam mê cờ bạc, thậm chí đánh bạc cả tiền của vợ con. Về lối sống, Hồn Trương Ba giản dị, thanh tao, thích sống hòa mình với thiên nhiên. Anh hàng thịt thích náo nhiệt, ồn ào, ăn chơi sa đọa. Mâu thuẫn này thể hiện qua những chi tiết: Trương Ba cảm thấy khó chịu khi ở trong căn nhà sang trọng, lộng lẫy của anh hàng thịt; Trương Ba khao khát được trở về với vườn rau, cái ao, con trâu của mình. Mâu thuẫn giữa hồn và xác khiến Trương Ba vô cùng đau khổ, dằn vặt. Ông luôn cảm thấy xa lạ với chính bản thân mình, như bị giam cầm trong một hình hài không thuộc về mình.

Không chỉ dừng lại ở đó, xung đột giữa bản ngã và khát vọng cũng là một bi kịch quan trọng. Trương Ba vốn mong muốn được sống một cuộc sống bình dị, thanh tao, nhưng khi ở trong thân xác anh hàng thịt, ông lại bị cám dỗ bởi những bản năng thấp hèn, những thú vui tầm thường. Xung đột này thể hiện qua nhiều chi tiết. Trương Ba bị cám dỗ bởi vẻ đẹp của Cái Gái, cháu gái mình, dẫn đến những hành động thiếu suy nghĩ, trái với đạo đức. Mâu thuẫn này thể hiện qua lời độc thoại nội tâm của Trương Ba: "Trời ơi! Nó đẹp quá! Đẹp như một đóa hoa sen trắng tinh khôi giữa đầm bùn đen kịt. Mình phải làm gì đây? Mình phải làm gì đây?". Không chỉ vậy, Trương Ba thường xuyên nhậu nhẹt say xỉn, bỏ bê công việc, gia đình. Hành động này thể hiện sự sa ngã, tha hóa của Trương Ba: "Trương Ba: (say khướt) Uống đi! Uống nữa đi! Uống cho say mới quên hết mọi chuyện! Uống cho quên đi cái kiếp sống khốn khổ này!". Thậm chí, hồn Trương Ba đam mê cờ bạc, thậm chí đánh bạc cả tiền của vợ con. Mâu thuẫn này thể hiện qua lời cảnh tỉnh của vợ Trương Ba: "Vợ Trương Ba: Anh ơi! Anh đừng chơi nữa! Anh sắp đánh mất hết mọi thứ rồi!".

Bi kịch trớ trêu của hồn Trương Ba đã dẫn đến những hậu quả đau lòng. Gia đình thì tan vỡ, vợ con Trương Ba không thể chấp nhận được con người mới của ông, dẫn đến sự rạn nứt trong tình cảm gia đình. Danh dự thì bị tổn hại, Trương Ba bị mọi người xa lánh, dè chừng, thậm chí coi thường. Bản thân Trương Ba phải chịu nhiều đau khổ, dằn vặt. Bi kịch trớ trêu của hồn Trương Ba là một bài học sâu sắc về giá trị cuộc sống, về bản chất con người và về sự đấu tranh giữa cái thiện và cái ác trong mỗi con người. Vở kịch đã cảnh tỉnh con người về những cám dỗ của cuộc sống và khẳng định giá trị của cuộc sống bình dị, thanh tao.

Trong nỗ lực giữ gìn bản sắc tốt đẹp của mình, Trương Ba đã trải qua nhiều thử thách và mâu thuẫn nội tâm. Ông cố gắng giáo dục anh hàng thịt, giúp anh thay đổi bản tính hung hăng, cục cằn. Đồng thời, ông cũng phải đấu tranh để chiến thắng những cám dỗ của bản năng thấp hèn, giữ gìn sự chung thủy với vợ con. Tuy nhiên, những nỗ lực của Trương Ba dần trở nên vô vọng. Ông nhận ra rằng con người không chỉ có tâm hồn mà còn có thể xác. Hai yếu tố này cần hoà quyện với nhau để tạo nên một con người hoàn chỉnh. Cuối cùng, Trương Ba quyết định trở về với cõi âm, để lại cho mọi người bài học quý giá về giá trị của cuộc sống. Ông nhận thức được rằng con người cần trân trọng cuộc sống, dù là cuộc sống bình dị nhất, và sống một cách có ý nghĩa.

"Hồn Trương Ba, da hàng thịt" của Lưu Quang Vũ là một vở kịch hiện đại độc đáo, mang đậm dấu ấn sáng tạo của tác giả, được thể hiện qua nhiều phương diện nghệ thuật. Tình huống kịch độc đáo, hấp dẫn với điểm nhấn là hồn Trương Ba hiền lành, chất phác bị nhốt trong thân xác anh hàng thịt thô lỗ, cục cằn. Nhân vật được xây dựng đa chiều, sinh động với nhân vật chính. Ngôn ngữ đối thoại tự nhiên, giàu sức gợi với lời thoại gần gũi đời sống, phù hợp với tính cách, hoàn cảnh từng nhân vật. Vở kịch mang giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc khi phơi bày những vấn đề nhức nhối trong xã hội đương thời, khẳng định giá trị cuộc sống bình dị, thanh tao và lên án lối sống sa đọa, ích kỷ. Tác phẩm còn ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn con người Việt Nam: hiền lành, chất phác, luôn hướng thiện. Nhờ những giá trị nghệ thuật và nội dung tư tưởng sâu sắc, Hồn Trương Ba, da hàng thịt đã trở thành một trong những vở kịch Việt Nam hay nhất mọi thời đại. Vở kịch đã được dịch sang nhiều thứ tiếng và được dàn dựng trên nhiều sân khấu trên thế giới.

"Hồn Trương Ba, da hàng thịt" là kiệt tác của Lưu Quang Vũ, châm biếm nhưng ẩn chứa bài học sâu sắc về giá trị cuộc sống, bản chất con người và thiện - ác. Tác phẩm mang giá trị nghệ thuật độc đáo, thông điệp nhân văn sâu sắc, là lời cảnh tỉnh về cám dỗ, khẳng định giá trị cuộc sống bình dị, ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn Việt Nam. "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" sẽ mãi là kiệt tác, bài học giá trị cho con người.

5. Bài viết tham khảo 5

Nhắc đến Lưu Quang Vũ là ta nhớ ngay đến một nhà soạn kịch tài hoa, một nhà thơ, nhà văn tiêu biểu cho nền văn học hiện đại Việt Nam. Tài năng của ông bao trùm trên các lĩnh vực văn chương nghệ thuật, và trong mỗi lĩnh vực, Lưu Quang Vũ đều lại để lại những dấu ấn đặc biệt và để lại những thành tựu trải dài suốt hàng thế kỉ. Trong đó, đặc biệt Lưu Quang Vũ được ghi nhận ở mảng viết kịch và “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” được xem là một trong những vở kịch thành công nhất của ông. 

“Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là vở kịch viết về cuộc xung đột giữa Hồn và Xác mà Lưu Quang Vũ đã mượn cốt truyện dân gian để xây dựng nên. Trương Ba là một nhân vật hiền lành, chăm chỉ, vừa có học thức lại giỏi đánh cờ nhưng lại chết một cách vô lí. Cái chết của Trương Ba chính bởi sự vô tâm, tắc trách nơi Nam Tào. Sau đó, để sửa sai, Nam Tào và Đế Thích đã cho hồn Trương Ba sống lại là nhập vào xác hàng thịt vừa mới chết. Nhưng không ngờ, sự sửa chữa đó dẫn tới một sai lầm trầm trọng hơn, Trương Ba rơi vào đời bi kịch khi phải sống trong xác hàng thịt là một con người hoàn toàn đối lập với mình. 

Với cốt truyện như trên, đoạn trích kịch xoay cuộc đối thoại nảy lửa giữa hồn và xác. Nguyên nhân xuất phát từ việc Trương Ba đã phải chịu sự lấn át của thể xác thô lỗ, chiều theo những nhu cầu dung tục,  tầm thường mà khiến tâm hồn thanh cao bị nhiễm độc, tha hóa. Hàng thịt  hiện giờ là cái bình để chứa đựng linh hồn Trương Ba, hắn đòi hỏi những nhu cầu ăn uống rượu thịt, cổ hũ, tiết canh, khấu đuôi…và cả đời sống vợ chồng mà Trương Ba cho là thô phàm, thấp kém.

Trong khi Trương Ba càng cố chối bỏ, đề cao sự nguyên vẹn, thẳng thắn, trong sạch thì hàng thịt lại càng khinh khi, phỉ nhổ: “Nực cười thật! Khi ông phải tồn tại nhờ tôi, chiều theo những đòi hỏi của tôi, mà còn nhận là nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn!”. Qua đó, tác giả Lưu Quang Vũ đã gửi đến cho đọc giả những triết lí nhân sinh quý giá qua bi kịch của cuộc đời Trương Ba.

Bi kịch thứ nhất của Trương Ba là bi kịch sống gửi, không được là chính mình. Nghịch cảnh trớ trêu với sự hoán đổi bất ngờ đã xáo trộn hiện thực. Trích kịch mở đầu với lời kêu gào thống thiết: “Không! Không! Tôi không muốn sống như thế này mãi!” Trương Ba đang độc thoại trước cảnh bế tắc và u uẩn không lối thoát của hiện tại. Thân xác kềnh càng cùng bản tính cục cằn thô lỗ của hàng thịt đang dần dần lấn át đi tâm hồn nhân hậu và thanh cao của chính ông. Đau khổ, dày vò, quẫn bách, không ngờ lại trở thành cuộc đời của Trương Ba. Sự hoán đổi chênh lệch, linh hồn thanh cao gửi vào xác thân phàm tục khiến cho ông muốn bứt mình ra khỏi hiện tại, dù chỉ là trong một khoảnh khắc: “Nếu cái hồn của ta có hình thù riêng nhỏ, để nó được tách khỏi cái xác này, dù chỉ là một lát!”. Trong chán nản xen lẫn tuyệt vọng, sự khát khao được tách bạch trở nên tha thiết hơn bao giờ hết, tiếng kêu gào thống thiết kia là lời cầu cứu của một linh hồn khát khao được nguyên vẹn là mình. Cũng trong giây phút đó, Hồn và Xác đã được tách ra, cuộc hội thoại giữa Hồn Trương Ba và Xác người hàng thịt được bắt đầu. Ta thấy trong cuộc đối thoại đó, Hồn Trương Ba bị nhạo báng, thách thức và đôi lần đuối lí trước những lời nói hùng hồn của Xác hàng thịt. Lời nói của Hồn Trương Ba ít ỏi và tất cả xoay quanh việc bảo vệ sự trong sạch của chính mình, đề cao tâm hồn cao thượng cùng lối sống nhân hậu, thanh cao và lên án xác hàng thịt đã làm ông dơ bẩn, tha hóa. Xác trước những lời buộc tội đó, xác hàng thịt không hề đuối lí mà ngược lại, còn ung dung và ngạo mạn thách thức linh hồn.

Trước những lời khinh miệt thân xác vô hồn, đui mù “mày chỉ là xác thịt âm u đui mù…”, hàng thịt nghiễm nhiên đáp lại: “Chính vì âm u đui mù mà tôi có sức mạnh ghê gớm, lắm khi át cả linh hồn cao khiết của ông đấy!” Ta thấy, mỗi lời nói hàng thịt nói ra đều buộc Trương Ba phải thừa nhận sự tồn tại của thể xác, hơn nữa, ông đang bị thể xác mà mình xem thường kia trói buộc. Hồn im lặng, đau đớn thừa nhận sự thắng thế của Xác, nhiều lần bất lực đáp lại: “Im đi”, “Ta… ta… đã bảo mày im đi!”, “Ta không muốn nghe mày nữa!”,… Trong suốt cuộc đối thoại, Xác hàng thịt đã lần lượt kể lại những hành động, những việc làm, thói quen nhuốm màu phàm tục như “Khi ông đứng cạnh vợ tôi, tay chân run rẩy, hơi thở nóng rực, cổ nghẹn lại…”, “ông có nhớ hôm ông tát thằng con ông tóe máu mồm máu mũi không?” để rồi cuối cùng khẳng định một điều chắc nịch với hồn Trương Ba: “Nhưng tôi là cái hoàn cảnh mà ông buộc phải quy phục!”. Bên cạnh đó, Xác hàng thịt cũng lần lượt kể lể những lí lẽ vô cùng thuyết phục như “những vị lắm chữ nhiều sách như các ông là hay vin vào cớ tâm hồn là quý, khuyên con người ta sống vì phần hồn, để rồi bỏ bê thân xác họ mãi khổ sở, nhếch nhác”, kể về những “trò chơi tâm hồn” mà mình đã nhân nhượng với Trương Ba. Cuộc đối thoại đi đến hồi kết, hồn Trương Ba cam chịu cảnh thua cuộc và phải quay về với xác hàng thịt. Qua bi kịch sống nhờ sống gửi này, chúng ta thấy hình tượng Hồn Trương Ba và Xác hàng thịt chính là phép ẩn dụ cho hai lối sống đối lập, một bên đại diện cho sự nhân hậu, thanh cao, khát vọng sống cao khiết, còn một bên là sự tầm thường, dung tục. Đó cũng là sự đấu tranh, đối thoại gay gắt trong một con người. Khi con người phải sống trong thể xác tầm thường dung tục thì ắt sẽ bị nó ngự trị. 

Tiếp đến, bi kịch thứ hai của Trương Ba là bi kịch bị người thân cự tuyệt. Có thể nói, đây mới là bi kịch đau đớn nhất, sâu sắc nhất của Trương Ba. Ông tuyệt vọng, đau khổ không chỉ bởi sự thay đổi ngỡ ngàng đến không thể nhận ra chính mình mà còn bởi sự xa lánh, rời bỏ của người thân, láng giềng. Khoảng cách gia đình cùng những vết rạn nứt đã mơ hồ xuất hiện. Từng nhớ, trong văn học hiện thực phê phán Việt Nam, từng có một Chí Phèo cũng bị người thân bỏ rơi từ nhỏ, bị Thị Nở ngoe nguẩy, cự tuyệt trên con đường hoàn lương để rồi hắn đi vào một hướng giải thoát mang tính chất đánh đổi: đó là mạng sống, cái chết. Hoàn cảnh Trương Ba cũng tương tự như vậy khi vợ, cháu và cả con dâu lần lượt rời xa ông. Làm sao Trương Ba có thể thanh minh được cho hoàn cảnh hiện tại của chính mình? Làm sao ông giải quyết được sự mâu thuẫn giữa hồn và xác đang ngự trị?

Tình thân bị đặt vào giữa bi kịch nghiệt ngã, đẩy Trương Ba rơi sâu hơn vào bế tắc của chính mình. Người vợ mà ông hết mực yêu thương cũng không hiểu nổi ông: “Ông bây giờ còn biết đến ai nữa!”, đòi bỏ ông ra đi “để ông được thảnh thơi… với cô vợ người hàng thịt”, “Ông đâu còn là ông, đâu còn là ông Trương Ba làm vườn ngày xưa”… Mỗi lời nói của người vợ như một vết cắt sâu vào nỗi đau của Trương Ba. Ngay cả đứa cháu– cái Gái cũng đã lên tiếng khước từ, phủ nhận “Tôi không phải là cháu của ông!”. Chính lời nói của đứa trẻ ngây thơ đã cáo buộc đanh thép “bàn tay giết lợn của ông làm gãy tiệt cái chồi non, chân ông to bè như cái xẻng, giẫm lên nát cả cây sâm quý mới ươm”, “ông làm gãy cả nan, rách cả giấy, hỏng cả cái diều đẹp mà cu Tị rất quý”… Cái Gái xua đuổi ông như đuổi một tên hung thần, ác quỷ, nó gọi ông bằng những danh xưng xấu xa, bằng lão đồ tể. Cuối cùng, đến cả người con dâu – người mà ông tin tưởng nhất cũng tỏ ra nghi ngờ: “mỗi ngày con thấy thầy một đổi khác dần, mất mát dần, tất cả cứ như lệch lạc, nhòa mờ dần đi, đến nỗi có lúc chính con cũng không nhận ra thầy nữa”. Chị vẫn luôn tự nhủ mình phải kính trọng, yêu thương, cảm thông cho người bố chồng bất hạnh nhưng hiện thực giờ đây chính là cửa nhà tan hoang, là nỗi đau khổ của từng người một “nhưng thầy ơi, làm sao, làm sao giữ được thầy ở lại, hiền hậu, vui vẻ, tốt lành như thầy của chúng con xưa kia?”

Giờ đây, Trương Ba hoàn toàn tuyệt vọng, ông không còn chút niềm tin nào để có thể bấu víu, không còn tha thiết gì một mạng sống đã làm khổ chính mình, hành hạ người thân. Bi kịch ngần ấy là quá đủ. Nỗi đau này còn phải tiếp tục cho đến bao giờ, Trương Ba “mặt lặng ngắt như tảng đá”, từ chối bỏ, nghi ngờ, chịu ép vế nay đã phải thừa nhận sự thắng thế của thân xác. Bi kịch bị người thân cự tuyệt đã giúp hồn Trương Ba có những suy nghĩ dứt khoát cùng hành động quyết liệt nhất để tìm ra con đường tự cứu lấy mình. Cuối cùng, ông đã xin với Đế Thích cái chết bởi  vì “không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được”.

Sở dĩ Trương Ba từ chối cơ hội mà Đế Thích ban cho, đó là nhập hồn vào xác Cu Tị vừa mới chết là bởi vì ông không muốn một lần nào nữa xảy ra bi kịch oái oăm tương tự. Làm sao có thể sống một cách bình thường, có thể dung hòa khi bên ngoài và bên trong hoàn toàn trái ngược? Tâm hồn của Trương Ba hoàn toàn khác so với thân xác đang trú ngụ kia. Sẽ không có một lối thoát, một cứu cánh nào vẹn toàn cả “trẻ con phải ra trẻ con, người lớn phải ra người lớn”. Đế Thích có quan niệm cuộc sống khác ông, sống chỉ đơn giản là không chết, không cần phải vẹn toàn, phải ý nghĩa, hay như mong muốn gì cả “tôi đâu có được sống theo những điều tôi nghĩ bên trong”, “dưới đất, trên trời đều thế cả, nữa là ông”.

Cái chết của Trương Ba là cuộc hồi sinh ngắn ngủi trong lòng những người thân, khi mà người chồng, người ông, người cha kính yêu, hiền lành chất phác khi xưa đã quay trở về. Từ bỏ cuộc sống giả tạo và mệt mỏi, Hồn Trương Ba quay về với nếp nhà hiền hậu ban đầu, về với cuộc sống của chính mình, với bậc cửa ở nhà, ánh lửa, cầu ao, cơi trầu, con ao… Trương Ba đã nói ra một câu hết sức bình thường giản dị nhưng vô cùng thấm thía cảm động: “Không phải mượn thân ai cả, tôi vẫn ở đây, trong vườn cây nhà ta, trong những điều tốt lành của cuộc đời, trong mỗi trái cây cái Gái nâng niu…”

Vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” sử dụng nhiều đặc điểm nghệ thuật nổi trội và gặt hái thành công rực rỡ ở những buổi công diễn sân khấu kịch. Từ cốt truyện dân gian, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã lồng ghép vào triết lí nhân sinh quý giá về cuộc sống, cách sống của mỗi người. Đặc biệt, nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật vô cùng chân thực, xúc động và gay cấn qua các màn đối thoại, độc thoại đã tạo nên chiều sâu tư tưởng cho tác phẩm.

Tóm lại, thông qua đoạn trích kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, Lưu Quang Vũ đã khắc họa nên một cuộc đối thoại sinh động giữa Hồn và Xác để từ đó đi đến kết luận về một cuộc sống thực sự ý nghĩa. Đó là một cuộc sống thể xác và tâm hồn để tìm sự sự dung hòa hợp lí. Và ở trong bất kì hoàn cảnh nào, con người đều phải biết đấu tranh vươn lên những giá trị chân thiện mỹ, biết tự hoàn thiện bản thân mình trên mọi phương diện chính là thông điệp nhân sinh quý giá mà vở kịch mang lại.

6. Bài viết tham khảo 6

Trên sân khấu nghệ thuật Việt Nam, "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" của Lưu Quang Vũ là một vở kịch mang đậm dấu ấn sáng tạo, lay động lòng người bởi những giá trị nhân văn sâu sắc. Đoạn trích "cuộc đấu tranh nội tâm của Trương Ba" là minh chứng tiêu biểu cho điều này. Qua phân tích đoạn trích, ta sẽ thấy được bi kịch nội tâm của nhân vật Trương Ba khi linh hồn trong sáng của ông bị đặt vào thể xác của một anh hàng thịt thô lỗ, từ đó khám phá triết lý sống sâu sắc về kiếp người và giá trị đạo đức mà tác giả muốn gửi gắm.

Như một bản nhạc bi ai vang lên giữa cuộc đời, đoạn trích mở ra với tâm trạng đầy xáo trộn của Trương Ba - một lão nông hiền lành, chất phác sau khi linh hồn bị kẹt vào cơ thể của anh hàng thịt cục mịch. Giống như một tù nhân bị giam cầm trong chính cơ thể mình, Trương Ba đau khổ, dằn vặt khi không thể hòa hợp với bản thân. Nỗi ám ảnh về kiếp người mới đeo bám ông như bóng ma, khiến ông không thể thoát khỏi sự mâu thuẫn giữa cái "hồn" thanh tao và cái "xác" trần tục.

Bi kịch của Trương Ba bắt nguồn từ sự mâu thuẫn giữa hồn và xác: Hồn Trương Ba vẫn giữ nguyên phẩm chất tốt đẹp, hiền lành, chất phác, yêu thương gia đình, nhưng thân xác anh hàng thịt lại thô lỗ, cục cằn, hung hãn. Mâu thuẫn này dẫn đến hàng loạt bi kịch cho Trương Ba và những người xung quanh. Trương Ba cố gắng đấu tranh nội tâm để giữ gìn bản chất hiền lành, chất phác của mình. Ông nhắc nhở bản thân về những giá trị đạo đức, về cuộc sống cũ bình dị bên gia đình. Sự đối lập gay gắt giữa hồn và xác được thể hiện rõ nét qua từng hành động, cử chỉ của Trương Ba. Khi hồn ông muốn thưởng thức vẻ đẹp của bình minh, ngắm nhìn đàn chim hót líu lo, thì cơ thể thô lỗ lại khao khát miếng thịt béo ngậy, tiếng chửi thề tục tĩu. Trương Ba bất lực nhìn cơ thể mình hành động, cảm thấy xa lạ và ghê tởm chính bản thân. Nỗi đau khổ tột cùng khiến ông bật lên tiếng khóc xé lòng, tiếng khóc của một con người đang dần đánh mất chính mình.

Trương Ba dần tha hóa bởi bản năng của thân xác mới. Sống trong hoàn cảnh mới, Hồn Trương Ba dần bị ảnh hưởng bởi những thói hư tật xấu của những người xung quanh, đặc biệt là anh hàng thịt. Thân xác anh hàng thịt khơi dậy trong ông những ham muốn thô sơ, bạo lực. Ông trở nên hung hăng, nóng nảy, thậm chí có những hành động đi ngược lại với bản chất hiền lành vốn có. Trương Ba bất lực trước hoàn cảnh trớ trêu của mình. Ông không thể thoát khỏi thân xác anh hàng thịt và cũng không thể thay đổi môi trường sống. Nỗi bất lực này khiến ông dần buông xuôi bản thân và chấp nhận sự tha hóa.

Bi kịch nội tâm của Trương Ba được đẩy lên cao trào qua những lời độc thoại đầy chua chát. Lời độc thoại này thể hiện sự phẫn uất và bất lực của Trương Ba trước cái chết oan uổng và hoàn cảnh trớ trêu của mình. Ông không hiểu vì sao mình phải chịu đựng một số phận bất công như vậy "Sao lại thế này? Sao tôi lại phải chịu đựng cái số phận trớ trêu này? Tôi đã làm gì sai?". Lời độc thoại này thể hiện khao khát cháy bỏng của Trương Ba được sống là chính mình, được trở lại với cuộc sống bình dị bên gia đình. Tuy nhiên, đây chỉ là một ước mơ viển vông bởi số phận đã trớ trêu buộc ông phải sống trong thân xác của người khác "Tôi muốn được sống lại! Tôi muốn được trở lại là chính mình!"...Những lời độc thoại đầy chua chát của Hồn Trương Ba đã góp phần làm nổi bật bi kịch nội tâm của nhân vật, đồng thời thể hiện quan điểm của tác giả về số phận con người và giá trị của bản chất con người. Qua những lời độc thoại này, Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm đến người đọc thông điệp về ý nghĩa cuộc sống và tầm quan trọng của việc giữ gìn phẩm chất tốt đẹp của bản thân.

Đoạn trích có giá trị về mặt ngôn ngữ, với lối viết giàu hình ảnh, ngôn ngữ đối thoại sinh động, hấp dẫn. Vở kịch "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" là một đoạn trích hay, có giá trị nghệ thuật cao, đã thể hiện thành công bi kịch của nhân vật Hồn Trương Ba, đồng thời thể hiện quan điểm của tác giả về cuộc sống và con người. Đoạn trích này có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, giúp người đọc hiểu rõ hơn về giá trị của bản chất con người, đồng thời cảnh tỉnh con người về những nguy cơ của sự tha hóa.

Tuy nhiên, giữa muôn trùng tăm tối, tia sáng hy vọng vẫn le lói ló rạng. Trương Ba không cam chịu khuất phục trước bi kịch. Ông quyết tâm đấu tranh với bản thân, giữ gìn những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân chất phác. Trương Ba mong muốn được trở lại cuộc sống bình dị, được sum vầy bên con cháu, được hòa mình vào thiên nhiên.

"Hồn Trương Ba, da hàng thịt" không chỉ là bi kịch của một kiếp người mà còn là tiếng nói khẳng định giá trị đích thực của con người. Dù trong hoàn cảnh nào, con người cũng cần phải giữ gìn phẩm chất tốt đẹp, hướng về cái thiện để hoàn thiện bản thân mình. Đoạn trích "cuộc đấu tranh nội tâm của Trương Ba" là một kiệt tác nghệ thuật, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc bởi những giá trị nhân văn sâu sắc và những hình ảnh nghệ thuật độc đáo.

 

HỌC ONLINE CÙNG GIÁO VIÊN TOP 5 TRƯỜNG ĐIỂM QUỐC GIA

Khóa học online ĐẦU TIÊN VÀ DUY NHẤT:  

⭐ Xây dựng lộ trình học cá nhân hóa, giúp con tăng 3 - 6 điểm chỉ sau 1 khóa học

⭐ Học chắc - ôn kỹ, tăng khả năng đỗ vào các trường chuyên cấp 2, cấp 3 

⭐ Chọn thầy cô, lớp, môn học theo mong muốn và thời gian biểu cá nhân 

⭐ Tương tác trực tiếp hai chiều cùng thầy cô, hỗ trợ con 24/7  

⭐ Học lý thuyết đi đôi với thực hành, kết hợp chơi và học giúp con học hiệu quả 

⭐ Công nghệ AI cảnh báo học tập tân tiến, giúp con tập trung học tập

⭐ Tặng full bộ tài liệu độc quyền trong quá trình học tập được biên soạn bởi các thầy cô TOP 5 trường điểm quốc gia

Trải nghiệm khóa học DUO hoàn toàn miễn phí ngay!!
 

 

Trên đây VUIHOC đã cùng các bạn Soạn bài Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (kịch). Đây là một bài học bổ ích giúp học sinh thể hiện khả năng cảm thụ, hiểu biết tác phẩm, đồng thời rèn luyện kỹ năng tư duy, lập luận và trình bày văn bản. Để học nhiều hơn các kiến thức của các môn học thì các em hãy nhanh tay truy cập và website vuihoc.vn hoặc đăng ký khoá học với các thầy cô giáo của VUIHOC ngay bây giờ nhé!

>> Mời bạn tham khảo thêm: 

Banner after post bài viết tag lớp 9
| đánh giá
Bình luận
  • {{comment.create_date | formatDate}}
Hotline: 0987810990