img
Thông báo
Sắp bắt đầu năm học mới, lớp hiện tại của bạn đang là lớp {{gradeId}}, bạn có muốn thay đổi lớp không?
img

Soạn bài Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học (thơ trào phúng)| Văn 8 tập 1 kết nối tri thức

Tác giả Hoàng Uyên 10:40 25/03/2024 2,764 Tag Lớp 8

Soạn bài Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học (thơ trào phúng)| Văn 8 tập 1 kết nối tri thức được VUIHOC chia sẻ trong bài viết dưới đây, giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo để chuẩn bị bài trước khi đến lớp. Mời các em cùng theo dõi.

Soạn bài Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học (thơ trào phúng)| Văn 8 tập 1 kết nối tri thức
Mục lục bài viết
{{ section?.element?.title }}
{{ item?.title }}
Mục lục bài viết x
{{section?.element?.title}}
{{item?.title}}

1. Soạn bài Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học (thơ trào phúng): Phân tích bài viết tham khảo

1.1 Giới thiệu khái quát về tác giả và bài thơ.

- Nữ sĩ Hồ Xuân Hương vốn được biết đến và nổi tiếng với một hồn thơ phóng khoáng.

- Bài thơ ‘Đề đền Sầm Nghi Đống” ra đời trong hoàn cảnh từ sự bức xúc khi bà nhìn thấy cảnh trái tai gai mắt: một tên tướng giặc bại trận phải tự vẫn nhưng hắn vẫn được lập đền thơm, bà đã không ngại ngần mà cất tiếng cười giễu cợt.

1.2 Phân tích nhan đề và đề tài

- Chữ “đề” ở trong nhan đề bài thơ đã thể hiện nét văn hóa đẹp ‘tức cảnh sinh tình”, ngẫu hứng làm thơ vịnh cảnh, cảm khái trước khung cảnh thiên nhiên và cuộc sống đời thường. Nhưng bài thơ này lại không mang cảm hứng ấy.

- Đề tài bài thơ “Đề đền Sầm Nghi Đống” viết về một tên tướng giặc bại trận phải tự vẫn đâu có được ca ngợi mà là đả kích, khinh thường.

1.3 Phân tích nội dung trào phúng của bài thơ để làm rõ chủ đề.

- Hai câu đầu bài thơ miêu tả ngôi đền và cách nhìn của nữ sĩ Hồ Xuân Hương nhân tiện đi qua, vô tình “trông ngang” mà chợt “thấy” ngôi đền của quan Thái thú. Bà mỉm cười và nghĩ rằng: một tướng giặc đi cướp nước người thất trận (vô dũng, vô mưu) đã hèn hạ thắt cổ chết. “Trăm năm bia đá chẳng mòn – Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Bà ứng khẩu thành thơ: “Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo”.

- “Ghé mắt trông ngang” là một cách nhìn bằng nửa con mắt, khinh dẻ. Ngôn từ và giọng điệu thơ bỡn cợt, sắc nhọn, khinh thị.

- Nữ sĩ tả qua ngôi đền, tả thực bằng hai nét: mặt tiền là cái “bảng treo”; thế đứng của ngôi đền rất “cheo leo”, không chút uy nghi, vững vàng, lại heo hút! Một nét vẽ châm biếm thân tình – Hai tiếng “Thái thú” là một lời kết tội đanh thép đối với bọn quan lại tướng tá Thiên Triều, lũ con cháu của Tô Định, Mã Viện… ngày xưa.

1.4 Chỉ ra và phân tích tác dụng của một số nét đặc sắc về nghệ thuật trào phúng.

- Từ “kìa” có hàm ý chỉ trỏ, chẳng giấu giếm sự bất kính với chốn đền miếu linh thiêng, đồng thời cho thấy nữ sĩ Hồ Xuân Hương tuy ngắm cảnh, vịnh cảnh, nhưng lại chẳng thèm lại gần. 

– Từ “cheo leo” vừa gợi ra vị trí xây dựng của ngôi đền (trên gò), vừa gợi lên được cảm giác không vững vàng.

→ Câu thơ cho độc giả thấy: dù là một viên tướng được thờ phụng, dù là một ngôi đền được xây cao nhưng trong mắt của nữ thi sĩ thì đó là một thứ rẻ rúng, coi thường và sự thiêng liêng,  tôn nghiêm của ngôi đền đã biến mất sạch sẽ trong mắt nữ thi sĩ.

1.5 Khẳng định giá trị, ý nghĩa của bài thơ.

- Bài thơ Đề đền Sầm Nghi Đống là tiếng cười trào phúng vừa sâu cay, vừa mạnh mẽ của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương dành cho một kẻ xâm lược, góp phần củng cố thêm lòng yêu nước trong mỗi con người Việt Nam.

- Bài thơ cho ta thấy tài năng nghệ thuật của Hồ Xuân Hương- một nhà thơ hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu “Bà Chúa Thơ Nôm”

2. Soạn bài Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học (thơ trào phúng): Thực hành viết 

2.1 Phân tích bài Lễ xướng danh khoa thi Đinh Dậu

Bài mẫu 1:

Sinh ra và lớn lên trong thời buổi đất nước ta gặp phải cơn sóng dữ của thời đại đến từ phương Tây, điều này khiến cho thuần phong mỹ tục của một nước thuần phong kiến được xây dựng cả ngàn năm bị lay chuyển. Nhà thơ Trần Tế Xương đã xuất sắc biến ngòi bút của mình thành một thứ vũ khí sắc bén để bảo vệ chút nào đó nền văn hóa truyền thống của dân tộc. Ông chọn cách biến bút pháp của mình thành bút pháp trào phúng, để châm biếm và lên án cái xã hội với cái văn hóa lai căng đương thời. Điều đó đã thể hiện vô cùng rõ nét qua tác phẩm thơ nổi tiếng của ông “Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu”.

Mở đầu bài thơ, Tế Xương đã khẳng định sự quý trọng, hiếm hoi của khoa thi - đó là ước mơ của bao sĩ tử nước ta lúc bấy giờ: 

“Nhà nước ba năm mở một khoa”

Cứ ba năm một lần, khoa thi Hương tuyển chọn nhân tài cho đất nước được mở ra cho các thanh niên, sĩ tử muốn đem tri thức ra để góp phần giúp nước giúp đời có cơ hội thể hiện mình. Trong bề dày lịch sử gần một nghìn năm phong kiến, đây vẫn được coi là con đường tiến thân lập nghiệp quen thuộc của những sĩ tử “bụng đầy chữ thánh Hiền”. Sự trang trọng cùng quy mô của sự kiện này là không phải bàn cãi. Thế nhưng, khoa thi mà nhà thơ Tế Xương miêu tả lại của năm Canh Dậu, lại có gì đó thật khác, thật kì lạ làm sao:

“Trường Nam thi lẫn với trường Hà.”

Trong câu thơ này, từ “lẫn” đã gợi lên sự lẫn lộn, thiếu rành rọt, rõ ràng, thiếu sự nghiêm túc, trang nghiêm. Tựa như dân ta xưa vẫn dùng từ lẫn cho mớ rau, mớ vải. Nay nhà thơ lại sử dụng để diễn tả các sĩ tử đến từ những nơi chuyên đào tạo nhân tài. Các sĩ tử nơi này lẫn với các sĩ tử nơi khác. Cách dùng này của tác giả khiến cho các nhân tài nước Nam ta trở nên kém phần quan trọng mà trở nên tầm thường như mớ rau, mớ vải ở ngoài chợ. Nhưng vì sao Tế Xương lại tả về các đồng môn bằng sắc thái đó? Điều này đã được thể hiện rõ ở ngay hai câu thơ sau:

“Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ”

Trong câu thơ này, tính từ “lôi thôi’ được tác giả đưa lên ngay đầu câu bằng thủ pháp đảo ngữ, với mục đích nhấn mạnh dáng vẻ thiếu nghiêm túc, đứng đắn của các vị sĩ tử. Đến với hội thi Hương ba năm mới mở một lần, các hiền tài đến từ các vùng miền lại chuẩn bị cho bản thân một dáng vẻ lôi thôi, lếch thếch thì thật đáng buồn và chê trách. Sự xuất hiện của những lọ nước khoác ở trên vai, khiến họ trông càng thêm ì ạch, lạch bạch. Dáng vẻ của những bậc nam nhi lòng mang chí lớn nhưng mà lại luộm thuộm, lôi thôi chẳng khác gì người dân buôn bán mưu sinh ngoài chợ. Cũng chính vì vậy mà nhà thơ lại dùng từ lẫn khi khắc họa trường thi năm Canh Dần. Nổi bật hơn cả các sĩ tử, chính là những vị quan lớn, họ là bộ mặt của triều đình, của chính quyền trong trường thi nhưng lại xuất hiện với dáng vẻ chẳng mấy khấm khá hơn:

“Ậm oẹ quan trường miệng thét loa.

Lọng cắm rợp trời, quan sứ đến,

Váy lê quét đất, mụ đầm ra.”

Quan trường - những người đứng đầu khoa thi được tác giả miêu tả xuất hiện với âm thanh “ậm ọe”. Một lần nữa, Tế Xương đã sử dụng thủ pháp đảo ngữ để thể hiện sự châm biếm sâu sắc với dáng vẻ của vị quan lớn. Ậm ọe là âm thanh của sự nạt nộ, hăm dọa. Thân là vị quan lớn, mà xuất hiện với cái âm thanh chua chát đi đằng trước, thật thiếu đi sự oai nghiêm cần có. Ông ta đến trường thi để trông thi, để quản lí những sĩ tử bụng đầy kinh thư, vậy mà phải có thái độ hăm dọa, nạt nộ. Hình ảnh đó đã gián tiếp khẳng định sự lộn xộn, nhốn nháo trong tác phong của các sĩ tử. Rõ là những người có học thức, mà hành động thì nhếch nhác, chẳng có chút gì nho nhã. Xứng với các sĩ tử đó là hình ảnh viên quan coi thi “to mồm gào rống” như đang giải tán đám đông ở chợ. Sự phối hợp nhịp nhàng của hai nhóm người đó đã “giúp” cho trường thi mất hẳn đi sự nghiêm trang, trịnh trọng cần có. Tế Xương đã phác họa bối cảnh trưởng thi như một bức tranh lộn xộn, nhếch nhác đến không thể nhìn thẳng.

Sự châm biếm của nhà thơ không hề dừng lại ở đó, bởi ngay sau quan trường là sự xuất hiện của quan sứ và mụ đầm. Đây là hai nhân tố mới - đại diện cho hơi thở của văn hóa phương Tây đang xâm lấn thuần phong mỹ tục nước ta nghiêm trọng. Họ xuất hiện một cách hiên ngang ở giữa trường thi - đất học linh thiêng của văn hóa phong kiến. Sự xuất hiện ấy vô cùng kệch cỡm và nhố nhăng với hình ảnh lọng che rợp trời và vạt váy dài lê quét đất. Trường thi vốn là một nơi linh thiêng, mang ý nghĩa văn hóa, chính trị quan trọng của cả một dân tộc vậy mà nay lại trở thành sân chơi cho những kẻ kệch cỡm, hợm hĩnh của nước ngoài. Họ mang theo thứ văn hóa lai căng đó vào làm trong cái trường thi vốn đã lộn xộn, nhếch nhác về hình thức, nay càng thêm lẫn lộn, nhố nhăng về ý nghĩa, bản chất.

Điều đó khiến cho một sĩ tử chân chính với lòng khát cầu giúp nước cứu dân như Tế Xương cảm thấy vô cùng đau lòng. Là một sĩ tử đã trải qua nhiều cuộc thi, từ thời các khoa thi vẫn vô cùng trang nghiêm, cho đến dáng vẻ kệch cỡm của hiện nay, làm sao mà không đau lòng được. Có thể nói, chính tác giả đã nhận ra và cảm nhận được sự thay đổi theo chiều hướng đi xuống đáy vực của nền thi cử nước nhà sâu sắc hơn bất kì ai. Cũng bởi vì vậy mà nhờ thơ cay đắng thốt lên rằng:

“Nhân tài đất Bắc nào ai đó?

Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà!”

Có thể thấy đây là lời than thở vừa xót xa, tủi nhục, cay đắng và cũng vô cùng bất lực của chính nhà thơ. Nhân tài đất Bắc từng một thời là những ông nghè, ông cống, những người có tài có chữ. Tuy họ có thể nghèo về vật chất nhưng luôn giàu chữ nghĩa, giàu lòng tự tôn, luôn tràn đầy tinh thần dân tộc. Ấy vậy mà giờ đây, ngay giữa Thăng Long ngàn năm văn hiến, ngay giữa trường thi - nơi hội thụ hiền tài giúp ích cho đất nước lại trở thành nơi cho thứ văn hóa lai căng, kệch cỡm chiếm cứ. Từ phiếm chỉ “nào ai đó” đã hướng tới một nhóm đối tượng cụ thể nào đó trong xã hội lúc bấy giờ. Đó chính là những nhân tài đất Bắc chân chính vẫn còn giữ tấm lòng vì nước vì dân, còn biết hổ thẹn trước cảnh nước nhà bị đô hộ, biết nhục nhã trước cảnh văn hóa dân tộc nước nhà bị văn hóa phương Tây làm nhơ nhuốc. Động từ “ngoảnh cổ” được tác giả đưa lên đầu câu thơ, nhấn mạnh một cách dứt khoát điều nên làm. Đó không chỉ đơn giản là cái quay đầu của một bộ phận cơ thể, mà là sự nhìn về quá khứ, nhìn về lịch sử nghìn năm văn hiến huy hoàng của dân tộc ta để mà thấy được cái dáng vẻ kệch cỡm, nhếch nhác của hiện tại. Hành động ngoảnh cổ, là hành động chỉ xoay phần đầu, còn cơ thể vẫn giữ nguyên. Chi tiết đó hiện lên cho thấy sự mắc kẹt ở hiện tại đau khổ, bẽ bàng của Tế Xương - một sĩ tử đương thời. Ông không đành lòng, không cam tâm và không chấp nhận trở thành một trong những kẻ lôi thôi, nhục nhã ở ngoài đó. Chính bởi vậy, Tế Xương đã khắc họa lại khung cảnh khoa thi năm Đinh Dậu với giọng điệu châm biếm sâu cay.

Ngôn ngữ trào phúng của Tế Xương tuy không trữ tình như của Hồ Chí Minh, mà vô cùng sắc bén, góc cạnh. Ông đay nghiến những thứ kệch cỡm, lai căng, nhếch nhác của hiện thực, để trực tiếp thể hiện thái độ của mình. Không chỉ trào phúng người mà Tế Xương còn tự trào chính mình. Trào một sĩ tử chẳng thể làm gì giúp ích cho đời, chẳng thể nào xoay chuyển càn khôn, khôi phục lại khung cảnh huy hoàng trong quá khứ. Cái hiện thực nhố nhăng, nhốn nháo của trường thi mà Tế Xương đã tham gia toát lên những cay đắng, tủi nhục chất chứa như núi trong lòng nhà thơ. Đó chính là cách mà Tế Xương thể hiện nỗi lòng và hồn thơ trào phúng của bản thân vào “Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu”.

Bài mẫu 2: 

Trần Tế Xương được biết đến với bút danh Tú Xương, ông là một nhà thơ danh tiếng với sự nổi bật trong hai lĩnh vực trữ tình và trào phúng. Một trong những tác phẩm đáng chú ý của ông ở lĩnh vực trào phúng là bài thơ "Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu". Năm 1886, sự việc Pháp chiếm đóng Hà Nội nên trường thi Hương Hà Nội đã bị hủy. Lo ngại về phản ứng của dân chúng, thực dân Pháp đã quyết định tổ chức thi kết hợp giữa trường thi Hương Hà Nội và trường thi Nam Định, được biết đến với tên gọi là trường Hà - Nam. Bài thơ trên đã được Tú Xương sáng tác trong thời gian ông tham gia kỳ thi này. Dự lễ xướng danh vào ngày 27/12/1897 có sự hiện diện của vợ chồng Thống đốc Đông Dương- Paul Doumer và vợ chồng Lơ Nooc-măng - đại diện cho Nam Định.

Để mở đầu bài thơ, Tú Xương đã trình bày một số nét chính về khoa thi Đinh Dậu thông qua hai câu thơ đầu tiên:

“Nhà nước ba năm mở một khoa,

Trường Nam thi lẫn với trường Hà.”

"Trường Nam" ở Nam Định và "trường Hà" ở Hà Nội được biết đến là hai trong số những trường thi Hương nổi tiếng ở Bắc trong quá khứ. Tuy nhiên, sau khi thực dân Pháp chiếm lĩnh Hà Nội, trường thi ở đây đã bị loại bỏ, điều này khiến cho các thí sinh tại Hà Nội buộc phải dự thi tại trường Nam Định. Từ "lẫn" trong câu thơ thứ nhất đã phản ánh một không gian hỗn độn, mất mát trang trọng của một kì thi Hương. Sau đó, việc nhập trường và lễ xướng danh cũng diễn ra trong một bầu không khí tràn đầy sự khôi hài:

“Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,

Ậm ọe quan trường miệng thét loa.”

Thuật ngữ "sĩ tử" thường được sử dụng để mô tả những người thuộc tầng lớp trí thức trong thời xã hội phong kiến, họ là những người theo đuổi nghệ thuật và văn chương. Thường thì họ được mô tả hiện lên với phong thái lịch lãm và điềm tĩnh. Tuy nhiên, trong bài thơ này, hình ảnh các "sĩ tử" lại được mô tả với vẻ ngoài lôi thôi và nhếch nhác. Trường thi, nơi thường gắn với sự trang nghiêm, giờ đây lại trở thành một cảnh như hội chợ, với hình ảnh viên quan "ậm oẹ" và "thét loa" đã tạo nên một bối cảnh nhố nhăng không khác gì chợ địa phương. Chi tiết này tuy nhỏ, nhưng nó lại phản ánh chân thực về tình hình xã hội vào thời điểm đó.

Tính trào phúng tiếp tục được tác giả thể hiện khi ông mô tả viên "quan sứ" và "mụ đầm". Dù đây là một kì thi vô cùng quan trọng của đất nước, nhưng hình ảnh được mô tả lại đầy sự hài hước và nhố nhăng, đặc biệt là cảnh đón tiếp tên "quan sứ" với "cờ kéo rợp trời", tưởng như đây là lễ đón tiếp lũ cướp nước với sự long trọng. Thêm vào đó, tại chốn trường thi, nơi thường được xem là tôn nghiêm và lễ giáo, lại xuất hiện hình ảnh "mụ đầm ra" với "váy lê quét đất", điều này tăng thêm sự hài hước và góp phần làm nổi bật sự suy thoái của đất nước vào thời điểm đó. Ở hai câu cuối của bài thơ là nơi tác giả bộc lộ nỗi niềm đau xót trước tình trạng mất nước của đất nước ta lúc bấy giờ, tạo nên sự hài hước và tiếc nuối đan xen:

“Nhân tài đất Bắc nào ai đó?

Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà.”

Tại đây, nhà thơ Tế xương đã sử dụng câu hỏi "nhân tài đất Bắc nào ai đó" giống như một cách để đánh thức nhận thức của các sĩ tử về sự nhục nhã và đau đớn của việc mất nước. Trong bối cảnh kẻ thù xâm lược vẫn còn nhởn nhơ, ý nghĩa của việc theo đuổi công danh trở nên mơ hồ và không còn ý nghĩa.

Bài thơ "Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu" không chỉ là một tác phẩm phản ánh chân thực về tình hình đất nước ta vào thời điểm đó, mà còn là biểu hiện của phong cách sáng tác độc đáo của nhà thơ Tú Xương. Tác phẩm này không chỉ mô tả khắc nghiệt về tình trạng xã hội lúc bấy giờ mà còn truyền đạt được cảm xúc đau đớn và xót xa của tác giả trước tình hình của đất nước.

>> Xem thêm: Soạn văn 8 đầy đủ và chi tiết theo chương trình sách mới

2.2 Phân tích bài Lai Tân

Tác phẩm “Nhật kí trong tù” của Hồ Chí Minh được kết hợp từ hai yếu tố “trữ tình” và “hiện thực”, trong đó “Lai Tân” là một trong những bài thơ thể hiện rõ những yếu tố đó. Đây là một thành công của Bác trong việc kết hợp bút pháp tả thực và trào phúng để vẽ nên một bức tranh thời sự về chế độ xã hội Tưởng Giới Thạch. Với tư cách là người thư ký trung thành của thời đại, Bác Hồ đã ghi lại một cách khách quan những cảnh:

“Giam phòng ban trưởng thiên thiên đổ

Cảnh trưởng tham thôn giải phạm tiền

Huyện trưởng thiêu đăng biện công sự”

Khác với nhà thơ Tú Xương ở trong hoàn cảnh tự do nên có “thể thẳng tay đập vào mặt bọn thống trị những cái tát giáng trời:

“Ở phố Hàng Song thật lắm - quan

Thành thì đen kịt, Đốc thì lang

Chồng chung vợ chạ kìa cô Bố

Dậu lạy quan xin nọ chú Hàn”

(Lắm quan)

Ở đây, Hồ Chí Minh chỉ có thể mỉa mai và châm biếm sâu cay bọn thống trị bằng ngòi bút trong hoàn cảnh tù đày, gông xiềng. Từ cái mặt bên ngoài cho đến tận cùng những hống hách bên trong của bộ máy thống trị Trung Hoa quốc dân đảng đã chứa đầy cái sự mâu thuẫn. Tác giả “Lai Tân” đã đưa ra ba gương mặt điển hình của bộ máy chính quyền Tưởng Giới Thạch đó chính là: “Ban trưởng”, “cảnh trưởng” và “huyện trưởng”. Cái chức “trưởng’ của họ nghe khá oai vệ, đầy uy lực nhưng những việc làm của họ đầy khuất tất, bất chính. Khuôn khổ của bài thơ rất ngắn gọn nhưng lại được đặt liên tiếp ba chừ “trường” ở trong ba câu thơ đầu, đây là sự “cố tình” dùng phép lặp của Bác Hồ trong việc dựng lên những chân dung tiêu biểu của giai cấp thống trị. Trong ba câu thơ – mỗi câu thơ là một bức tranh sống động mang tính thời sự nóng hổi, nó chân thật đến từng chi tiết được vẽ bằng nét bút bình thản, lạnh lùng. Bức tranh thứ nhất được bày ra trước mắt mọi người là hình ảnh một “ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc”. Bức tranh thứ hai là hình ảnh “cảnh trưởng tham lam ăn tiền phạm nhãn bị giải”. Cả ban trưởng và cảnh trưởng đều là những công cụ thi hành pháp luật vô cùng đắc lực của cái xã hội đầy rẫy những cái bỉ lậu, xấu xa. Chúng thường khoác trên mình chiếc áo “công lý’ để làm những việc “bất công ly’ hết ngày này đến ngày khác. Chức “trưởng” của chúng đã có và sự phạm pháp của chúng còn lớn hơn ngàn vạn lần. Tiếng cười trào lộng được bật lên từ nghịch cảnh đó. Thoạt đầu, khi mới nhắc đến “ban trưởng”, “cảnh trưởng”, ta thiết tưởng đó là những người cầm cân mẫu mực chắc hẳn phải công minh, trong sạch nhưng ta thực sự bất ngờ khi biết chúng chẳng qua là những con mọt dân, chuyên gây rối, bắt bớ dân để mà tham nhũng, cờ bạc.

Bọn chúng chỉ mượn cái danh để tự đặt ra cho mình cái quyền thích làm gì thì làm. Đất Lai Tân có ban trưởng, cảnh trưởng tưởng chừng như sẽ có cuộc sống bình yên nhưng trớ trêu thay trật tự an ninh lại không được đảm bảo, những hành vi vi phạm pháp luật vẫn diễn ra đầy rẫy mà những kẻ đứng đầu bộ máy thống trị ở Lai Tân chính là những kẻ cầm đầu những chuyện phạm pháp đó. Nực cười thay, nhà tù vốn là nơi giam giữ những kẻ phạm tội vậy mà đây cũng chính là nơi để tội phạm cổ thể thịnh hành rộng rãi nhất, tiêu biểu và nhiều hơn cả vẫn là tội phạm cờ bạc mà chính giai cấp thống trị nhà lao cũng là những “đỗ phạm’. Cái nghịch cảnh “đánh bạc ở ngoài quan bắt tội, trong tù được đánh bạc công khai” chính là hiện thực thôi nát của nhà tù Tưởng Giới Thạch không thể phủ nhận được.

Cấp dưới sống và hành động bê tha, tàn ác như thế, ấy vậy mà cấp trên – huyện trưởng đêm đêm vẫn “chong đèn lo công việc”.  Kích thước của những bức tranh về sau to hơn, rộng hơn bức trước cho thấy mức độ mỉa mai và châm biếm của tác giả tăng dần. Từ chân dung một ban trưởng trông coi một phạm vi nhà tù nhỏ hẹp cho tới một cảnh trưởng cai quản một địa phận lớn hơn và thậm chí là một huyện trưởng cai trị một vùng rộng lớn và bao quát cả quyền của ban trưởng cảnh trưởng. Bức tranh thứ ba Bác Hồ đã mở ra hình ảnh “Huyện trưởng thiêu đăng biện công sự’ vẻ ngoài tưởng mẫu cách, sát sao với “công việc” nhưng thực ra lại là một kẻ quan liêu, vô trách nhiệm, không biết tay chân, cấp dưới làm những gì, phạm pháp những gì. Câu thơ phạm luật “nhị tứ lục phân minh” ở một chữ “công”.

Bao sự mỉa mai, đả kích sâu cay đều dồn nén vào một chữ “công” đó. Huyện trưởng đang “lo công việc” hay là mượn “việc công” để tạo một tấm bình phong che chắn cho mình “lo việc riêng”, hút thuốc phiện? Tác giả đã khéo léo đặt chữ “đăng” chính giữa câu thơ không nhằm mục đích tỏa sáng chân dung huyện trưởng mà với mục đích đối lập, phản chiếu cái tối tăm của bộ máy thống trị Lai Tân (nói riêng) và hệ thống chính quyền Tưởng Giới Thạch (nói chung). Giữa cái thực trạng ấy, thử hỏi bình yên ở đâu? Câu trả lời là: 

“Bình yên vẫn ở chốn Lai Tân này!

 Trời đất Lai Tân vẫn thái bình”

Câu trả lời bất ngờ đến mức khiến người đọc ngã ngửa. Thì ra là như vậy! Lời bình giá đã đi ngược lại với tất cả những mục ruỗng và thối nát của chính quyền Tưởng Giới Thạch được phơi bày ở trên. Từ lời bình giá đó đã dấy lên một lời đã kích mạnh mẽ. Tác giả bài thơ “Lai Tân” đã kết luận một cách đầy châm biếm, mỉa mai sắc sảo và rất hùng hồn về cái xã hội ngày ấy. Thủ pháp nói ngược của Bác Hồ đã làm bật ra tiếng cười trào phúng. "Trời đất Lai Tân vẫn thái bình". Đúng là vậy! Nhưng chỉ một chữ “vẫn” cũng đủ “điếng người’. Một cái bĩu môi dài, một cái cười khẩy và một giọng nói kéo dài bắc đầu từ chữ “vẫn” ấy.

Nghệ thuật nâng cao – quật mạnh được Bác sử dụng rất công hiệu ở câu thơ cuối bài đã làm lay tỉnh người đọc nhìn sâu vào xã hội ấy để mà từ đó xem xét, đánh giá đúng thực chất của nó. Như con đà điểu thấy nguy hiểm là biết húc đầu vào sâu trong cát, giai cấp thống trị ở Lai Tân thấy trời đất thái bình tưởng là yên ổn, chúng bằng lòng với cách thái bình đó mà không ngờ được rằng đó chỉ là cảnh thái bình giả dối, trong đó chất chứa bao nhiêu sóng gió, hiểm nguy. Điều ấy cũng thể hiện rõ sự ngu dốt, vô trách nhiệm hết sức của bọn chúng. Ba bức tranh hiện lên ba chân dung của ba kẻ đại diện cho giai cấp thống trị chế độ Tưởng Giới Thạch được ghép lại với nhau thành một bức tranh lớn – một bức chân dung lớn đầy đủ và trọn vẹn về xã hội Trung Hoa quốc dân đảng.

Với “nghệ thuật vẽ đường tròn đồng tâm”, Bác Hồ  đã vẽ được một bức tranh sinh động mỗi lúc một toàn diện hơn về chế độ xã hội Tưởng Giới Thạch. Nhà “dột từ nóc dột xuống” chỉ qua một huyện Lai Tân mà có thể thấy cả bộ mặt thối nát, bỉ lậu của xã hội Tưởng được phơi bày. Tác giả đã phủ định triệt để tận gốc cái giai cấp thống trị ấy. Cái “loạn” của mảnh đất Lai Tân được tô đậm bằng màu tối của những bê tha, xấu xa, vô trách nhiệm, rất quan liêu của bọn văn võ bá quan. Và hơn thế, nó còn được “trang trí” bằng sự “thái bình” nhưng ai cũng có thể hiểu trời đất Lai Tân “thái bình” như thế nào.

Cách kết thúc bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh giống lối thơ trào phúng truyền thống của các nhà thơ trào phúng Việt Nam như Nguyễn Công Trứ, Tú Xương, Hồ Xuân Hương… đồng thời đậm chất (gây cười) của phương Tây. Hai chữ “Lai Tân” dường như không chỉ đơn thuần là một tên huyện mà tự bản thân nó đã mang một lớp nghĩa là mảnh đất mới, sáng sủa và bình yên. Quả thật, huyện Lai Tân rất bình yên – bình yên “như xưa”. Nhưng “như xưa” ở đây nghĩa chính là sự trì trệ, là chậm chạp không phát triển đã thành truyền thông; “như xưa” là không có sự đổi thay, là vẫn duy trì những cái xấu xa bỉ lậu của ngày trước. Hồ Chí Minh đã trực tiếp đả kích và khách quan chế độ Tưởng, do đó sức tố cáo, châm biếm của nó rất mạnh mẽ, quyết liệt. Bác đã giáng lên những đòn liên tiếp, chính xác vào xã hội ấy khiến cho nó phải “quần lèn” ở nhát đòn quyết định có tên là “thái bình”.

Không chỉ ở “Lai Tân” mà ở rất nhiều bài thơ khác của tập “Nhật kí trong tù”, Bác Hồ cũng đã đả kích châm biếm sâu sắc xã hội Tưởng Giới Thạch như “Trảng binh gia quyến”, “Đổ phạm’, “Đổ”. Đó là “những ngón đòn trào phúng thâm thúy mà Bác đã đánh thẳng vào kẻ thù, vạch trần cái vô lý, tàn tệ” của chế độ ấy khiến “ta cười ra nước mắt”. Tiếng cười trào lộng cất lên vừa trữ tình, vừa đậm chất trí tuệ khiến ta thoải mái, hả hê. Ta chợt nhớ tới Tú Xương ngày trước cũng từng có một tiếng cười trào lộng như thế: “Tri phủ Xuân Trường được mấy niên Nhờ trời hạt ấy cùng bình yên”. (Đưa ông phủ)

Tiếng cười dân tộc đã thấm nhuần trong thơ hiện thực trào phúng của chủ tịch Hồ Chí Minh mà càng đọc ta càng thấy nó sâu cay. “Lai Tân” là một bài thơ cũng nằm trong số đó. Nó vừa có ý nghĩa hiện thực chính xác, vừa mang tính chiến đấu sắc lạnh tố cáo châm biếm cao độ, bài thơ đã giúp cho ta hiểu thêm về xã hội Tưởng Giới Thạch và hiểu hơn tâm hồn tài năng của Bác.

 

Trên đây VUIHOC đã cùng các bạn Soạn bài Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học (thơ trào phúng) văn 8 tập 1 kết nối tri thức. Đây là một yêu cầu quan trọng giúp học sinh nắm bắt được đặc điểm của thể loại này cũng như rèn luyện kỹ năng phân tích tác phẩm. Để học nhiều hơn các kiến thức của các môn học thì các em hãy nhanh tay truy cập và website vuihoc.vn hoặc đăng ký khoá học với các thầy cô giáo của VUIHOC ngay bây giờ nhé!

>> Mời bạn tham khảo thêm: 

Banner after post bài viết tag lớp 8
| đánh giá
Bình luận
  • {{comment.create_date | formatDate}}
Hotline: 0987810990