img
Thông báo
Sắp bắt đầu năm học mới, lớp hiện tại của bạn đang là lớp {{gradeId}}, bạn có muốn thay đổi lớp không?
img

Soạn bài Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học trang 107 | Văn 8 tập 2 Chân trời sáng tạo

Tác giả Hoàng Uyên 11:27 29/02/2024 11,152 Tag Lớp 8

Trong bài viết này, VUIHOC sẽ hướng dẫn các bạn cách để soạn bài Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học, cùng trả lời các câu hỏi trong trang 107 sách giáo khoa sách Ngữ Văn 8 tập 2 Chân trời sáng tạo để nắm rõ được nội dung và ý nghĩa của bài học, cùng theo dõi nhé!

Soạn bài Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học trang 107 | Văn 8 tập 2 Chân trời sáng tạo
Mục lục bài viết
{{ section?.element?.title }}
{{ item?.title }}
Mục lục bài viết x
{{section?.element?.title}}
{{item?.title}}

1. Soạn bài Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học trang 107: Phân tích văn bản

1.1 Câu 1 trang 108 SGK Văn 8/2 Chân trời sáng tạo

Hãy chỉ ra những luận điểm, lí lẽ, bằng chứng ở trong bài viết và mối quan hệ thông qua giữa các yếu tố này.

Lời giải chi tiết:

- Luận điểm 1: Vẻ đẹp cổ điển của thơ Đường hiện lên trong tác phẩm thông qua việc sử dụng các chất liệu như vầng trăng, làn nước, bầu trời để tạo ra một bức tranh tổng thể hài hòa và thống nhất. Cách thức này không chỉ làm tôn lên vẻ đẹp của tự nhiên mà còn kết hợp cùng mối quan hệ sâu sắc, phức tạp giữa con người và vũ trụ, tạo nên một không gian thơ mộng và lãng mạn đầy sức hút.

+ Câu thơ đầu tiên đã ghi nhận về khoảng thời gian mà mở ra cả không gian bát ngát của cả bầu trời với vầng trăng rằm tròn đầy và viên mãn.

+ Câu thơ thứ hai đã tiếp nối với câu thơ thứ nhất đã mở rộng không gian theo chiều dài, chiều rộng, từ mặt nước cho đến bầu trời: xuân giang, xuân thủy, tiếp xuân thiên.

- Luận điểm 2: Sức hấp dẫn của bài thơ đến từ các chủ đề khác nhau.

+ Hai câu chuyển, hợp tạp được bầu không khí hiện đại, ở trong thời kì kháng chiến chống Pháp và tại nơi chiến khu Việt Bắc.

+ Nỗi cô đơn và nỗi buồn man mác thường được thấy ở trong thơ Đường đã nhường chỗ cho một tư thế ung dung, đĩnh đạc của một người chiến sĩ…

+ Tình cảm của tác giả ở trong bài thơ có sức lan tỏa, giúp cho người đọc có thể cảm nhận đầy sâu sắc vẻ đẹp của thiên nhiên…

1.2 Câu 2 trang 109 SGK Văn 8/2 Chân trời sáng tạo

Để làm nổi bật lên các luận điểm, tác giả bài viết đã sử dụng thêm những từ ngữ nào?

Lời giải chi tiết:

Để làm nổi bật lên các luận điểm, tác giả bài viết đã sử dụng thêm những từ ngữ sau: trước hết, mặt khác…

1.3 Câu 3 trang 109 SGK Văn 8/2 Chân trời sáng tạo

Từ bài văn ở trên, hãy ghi lại một số những lưu ý khi viết một bài nghị luận phân tích một tác phẩm văn học.

Lời giải chi tiết:

- Một số các lưu ý khi viết một bài nghị luận phân tích một tác phẩm văn học là:

+ Chỉ ra được các luận điểm để làm sáng tỏ bài viết.

+ Trình bày những lí lẽ, dẫn chứng một cách mạch lạc và thuyết phục.

>> Xem thêm: Soạn văn 8 Chân trời sáng tạo

2. Soạn bài Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học trang 107: Quy trình viết 

Đề bài: Câu lạc bộ văn học của trường em đã tổ chức cuộc thi viết với chủ đề: “Tác phẩm tôi yêu”. Em hãy viết một bài văn nghị luận phân tích về một bài thơ mà em yêu thích nhất để tham gia cuộc thi này.

2.1 Lập dàn ý 

Hãy đọc bài thơ nhiều lần để có thể xác định chủ đề, một số biện pháp nghệ thuật đặc sắc và các tác dụng của chúng (tham khảo phiếu tìm ý sau):

• Hãy sắp xếp các ý tìm được theo một trình tự sao cho hợp lí, đảm bảo về bố cục của bài phân tích một tác phẩm văn học.

Mở bài


 

 

- Giới thiệu khái quát tác phẩm văn học (tên tác phẩm, tác giả,..).

- Nêu lên được chủ đề chính cùng với một vài nét đặc sắc ở trong hình thức nghệ thuật được sử dụng ở tác phẩm.

Thân bài


 

 

- Nếu lên chủ đề của tác phẩm.

- Chỉ ra và phân tích được tác dụng về một vài nét đặc sắc trong các hình thức nghệ thuật của tác phẩm.

Kết bài


 

 

- Khẳng định lại một lần nữa chủ đề và giá trị của một vài nét đặc sắc ở trong hình thức nghệ thuật của tác phẩm.

- Nêu lên được suy nghĩ cảm xúc về tác phẩm, chia sẻ các bài học đã rút ra cho bản thân.

2.2 Thực hành viết 

Mùa thu luôn là chủ đề đầy cảm hứng và quen thuộc trong văn học. Trải qua nhiều thế hệ, văn học dân tộc Việt Nam đã ghi nhận mùa thu qua nhiều góc cạnh khác nhau. Từ sự trong veo của mùa thu trong thơ của Nguyễn Khuyến, đến vẻ ngơ ngác của thu trong tác phẩm của Lưu Trọng Lư, và cảm xúc đượm buồn trong thơ của Xuân Diệu. Đáng chú ý, "Sang thu" của Hữu Thỉnh hiện lên với sự tinh tế và sâu sắc không ngờ, mở ra một cách nhìn mới về mùa thu, đánh thức những cảm xúc sâu xa và đầy ý nghĩa.

Bài thơ được viết vào năm 1977, thời điểm mà đất nước mới giành được độc lập chỉ sau 2 năm. Đây cũng là lúc mà những người lính như Hữu Thỉnh, trong không khí của hòa bình mới, lần đầu tiên được trải nghiệm vẻ đẹp của mùa thu. Chủ đề của tác phẩm tập trung vào sự nhạy cảm của tâm hồn, sự yêu thương mùa thu, và tình cảm với quê hương. Nhà thơ mở lòng mình để đón nhận sự chuyển động của cảnh vật và đất trời từ cuối hạ sang đầu thu. Tác phẩm cũng thể hiện sâu sắc những suy tư về con người và cuộc sống, với tất cả những khó khăn và thách thức mà họ phải đối mặt.'

Trong bài thơ, "Sang thu" không chỉ là một thời điểm cụ thể mà là sự chuyển giao giữa mùa hè và mùa thu, khi thiên nhiên bắt đầu biến đổi. Mặc dù mùa hè vẫn còn tồn tại, nhưng đã xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên của mùa thu. Khi viết về mùa thu, các tác giả thường sử dụng những hình ảnh quen thuộc như sắc vàng của hoa cúc, lá vàng rơi, tiếng lá xào xạc của cây ngô đồng, hay cảm giác bình yên của rặng liễu. Tuy nhiên, Hữu Thỉnh đã đón nhận mùa thu bằng cách tinh tế và giản dị, không cần những hình ảnh rực rỡ mà chỉ cần những cảm nhận sâu sắc về vẻ đẹp của sự thay đổi trong tự nhiên:

 “Bỗng nhận ra hương ổi

 Phả vào trong gió se”

Mùa thu của Hữu Thỉnh khởi đầu bằng một hương vị quen thuộc trong "gió se" - là loại gió khô và lạnh, đặc trưng của mùa thu ở miền Bắc. Đó là hương ổi - một hương thơm đặc trưng của mùa thu trong làng quê của vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam. Động từ "phả" mang lại sức hút mạnh mẽ, diễn tả mùi hương thơm nồng nàn, lan tỏa khắp nơi. Hương ổi "phả" vào trong "gió se" tạo nên một liên tưởng thú vị, làm cho hương thơm trở nên đậm đặc và mạnh mẽ hơn. Làn gió heo may mang theo hương thơm của ổi lan tỏa khắp những con đường, làng xóm.

Qua đó, chúng ta nhận ra một cách rõ ràng nhất, rằng trong làn gió đó, mùi hương thơm của ổi là tín hiệu rõ ràng nhất báo hiệu về mùa thu đang đến. "Hương ổi" là một phần không thể tách rời từ những kí ức tuổi thơ, là mùi vị của quê hương đã thấm đẫm trong lòng nhà thơ, và mỗi khi mùa thu về, nó lại đánh thức những hồi ức. Hương ổi, cùng với cơn gió mát mẻ của mùa đầu thu, được coi như là biểu tượng của mùa thu (tương tự như chim én đại diện cho mùa xuân). Nó đến nhẹ nhàng, "khẽ" đến mức chỉ cần một chút sơ ý là ai cũng có thể bỏ qua. Từ đó, tín hiệu của sự chuyển mùa không chỉ là những tia ánh vàng của lá, là sự nở rộ của hoa cúc vàng, là bóng mát của rặng liễu buông xuống... Mà sự hiện diện đầu tiên của mùa thu cho mỗi người chính là hương ổi - một mùi quê dân dã, mộc mạc, mà mọi người đã quen thuộc từ lâu. Trong đoạn này, Hữu Thỉnh đã tạo ra một hình ảnh mới mẻ và độc đáo về mùa thu, không giống như những gì thường thấy trong thơ văn cổ, nhưng vẫn rất quen thuộc và gần gũi với mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là những người sống ở miền Bắc mỗi khi mùa thu đến.

Tín hiệu của sự chuyển mùa đến không chỉ được biểu hiện qua hương thơm của ổi, cũng không chỉ bằng những cơn gió se lạnh, mà còn được thể hiện thông qua hình ảnh của "sương thu". Đối với Hữu Thỉnh, sương thu không chỉ đẹp đẽ, nhẹ nhàng và mong manh như một ảo ảnh, mà còn mang trong đó sự đan xen của cảm xúc con người, như một biểu hiện của sự lưu luyến và ngập tràn trước những bước chân của thời gian:

“Sương chùng chình qua ngõ

 Hình như thu đã về”

Nhà thơ đã sử dụng từ láy "chùng chình" nhằm nhân hóa dòng sương, biến nó từ một hiện tượng tự nhiên vô tri vô giác thành một thực thể mang đầy tinh thần. Phép tu từ này đã làm cho dòng sương mỏng manh trở nên sống động, như thể nó có tâm hồn, có cảm xúc riêng, như một người đang do dự giữa việc đi hay ở, vu vơ khi bước chân qua ngưỡng của mùa thu. Câu thơ này tạo ra một cảm giác mơ hồ, lấp lánh, làm cho người đọc cảm nhận được sự đan xen của nhiều cảm xúc khác nhau. Đối với nhà thơ Nguyễn Du thì mùa thu giống như khói biếc: “Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng”.  Còn với nhà thơ Tàn Đà thì sương thu lại nhẹ nhàng giống như hơi thở của làn khói: “ Khói thu xây thành”. Ở đây dòng sương thu của tác giả Hữu Thỉnh, không phải là một làn sương dày đặc, mịt mù giống như ở trong câu ca dao quen thuộc khi miêu tả quang cảnh Hồ Tây lúc ban mai “Mịt mù khói tỏa ngàn sương”, hay giống như nhà thơ Quang Dũng đã viết ở trong bài thơ “Tây Tiến”: “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi” mà lại là “Sương chùng chình qua ngõ” gợi ra được những làn sương rất mỏng manh, mềm mại, giăng mắc màn ở khắp đường thôn ngõ xóm chốn làng quê. Nó dường như làm cho khí thu trở nên mát mẻ và cảnh thu thêm thơ mộng, huyền ảo, thong thả, bình yên. Trong bài thơ, từ "ngõ" không chỉ đơn thuần là con đường trong làng quê mà còn có thể đại diện cho một khung cảnh tâm trạng, là nơi kết nối giữa mùa hạ và mùa thu, hay thậm chí là tâm trạng của con người đang lưu luyến, tiếc nuối trước cửa thời gian.

Tác giả đã cảm nhận tín hiệu chuyển mùa thông qua mọi giác quan: hương vị của hương ổi, cảm giác của gió se, và hình ảnh của làn sương. Tuy nhiên, trước những dấu hiệu ban đầu của sự chuyển đổi mùa, tâm trạng của nhà thơ vẫn mơ hồ và không rõ ràng. Cảm xúc của nhà thơ được thể hiện qua từ "bỗng" để diễn tả sự bất ngờ, như chưa kịp chuẩn bị. Câu thơ "Hình như thu đã về" tỏ ra như một lời tự hỏi từ tâm trí, là một câu hỏi tu từ thể hiện sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng. Từ "Hình như" mang đến sự phỏng đoán nửa tin, nửa ngờ, tạo ra một tâm trạng mơ hồ, phân vân, không rõ ràng. Đây là trạng thái cảm xúc phù hợp với thời điểm chuyển giao giữa hai mùa. Mùa thu đến một cách nhẹ nhàng, mơ hồ, tạo ra một chút sự mơ mộng về thời gian, trong khi Hữu Thỉnh đã tinh tế thể hiện những cảm nhận về cảm xúc giao mùa của đất trời và của con người một cách ngây ngất và say đắm. Để cảm nhận được những tín hiệu ban đầu của sự chuyển giao giữa hai mùa từ hạ sang thu, hẳn là cần phải có một tâm hồn yêu thiên nhiên, nhạy cảm và tinh tế.

Nếu trong khổ thơ thứ nhất, những cảm nhận về mùa thu vẫn mơ hồ, chưa rõ ràng, thì khổ thơ thứ hai đã đem đến một bức tranh mùa thu rõ nét, sắc nét hơn thông qua sự thay đổi của cảnh vật. Sau những khoảnh khắc ngỡ ngàng và những giọt vui nhỏ, cảm xúc của nhà thơ tiếp tục lan tỏa, mở ra một cái nhìn sâu rộng hơn, xa hơn:

“Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã”

Dấu ấn về bức tranh mùa thu đã được tác giả cảm nhận thông qua ba nét vẽ cụ thể là: những hình ảnh: “dòng sông”, “cánh chim”, “đám mây ”. Tác giả miêu tả hình ảnh của dòng sông bằng từ "dềnh dàng", cùng với việc nhân hóa, giúp độc giả hình dung trạng thái của dòng sông trong mùa thu khác biệt so với mùa hạ. Trong mùa hạ, dòng sông thường cuồn cuộn, nặng trĩu với phù sa, đầy sức mạnh, nhưng đến mùa thu, nó trở nên hiền hòa hơn nhiều. Dòng sông trôi đi một cách lững lờ, ung dung và thong thả, như thể đang thong thả dạo chơi. Hình ảnh dòng sông với từ "dềnh dàng" tạo nên vẻ đẹp êm dịu của bức tranh mùa thu sau những cơn giông bão. Sự "dềnh dàng" của dòng sông không chỉ thể hiện vẻ êm đềm của thiên nhiên mùa thu mà còn chứa đựng tâm trạng của con người, như là sự chậm lại, trì hoãn, và sự suy tư về những trải nghiệm trong cuộc sống.

Trái ngược với sự hiền hòa và chậm chạp của dòng sông là sự vội vã của những cánh chim, tạo nên một bức tranh đầy màu sắc và động lòng người. Không gian trở nên rộn ràng, mặc dù không có tiếng ồn ào, nhưng câu thơ lại gợi lên sự sôi động. Chim là những sinh vật vô cùng nhạy cảm, chúng nhận biết được sự se lạnh của mùa thu đang đến và mùa đông sắp tới trong gió heo may. Do đó, chúng nhanh chóng xây tổ, tận dụng thời gian để săn mồi, và chuẩn bị cho những ngày đông an toàn nhất hoặc sự vội vã của hành trình di cư về phương Nam để tránh rét. Nhưng điều tinh tế trong tâm hồn thơ của Hữu Thỉnh lại nằm ở từ "bắt đầu". Đó không phải là sự vội vã của những cánh chim, mà chỉ là khởi đầu. Nhận ra điều này, có lẽ Hữu Thỉnh là một người yêu cuộc sống sâu sắc, chỉ có thể có tâm hồn nhạy cảm, mới có khả năng nghe thấy, nhìn thấy sự bắt đầu của những cánh chim, sự di chuyển nhẹ nhàng của thời gian. Nhà thơ Xuân Diệu đã từng viết:

“  Không gian như có dây tơ

Bước đi sẽ đứt động hờ sẽ tan”

Ấn tượng nhất ở trong bức tranh mùa thu đó chính là hình ảnh:

                  “Có đám mây mùa hạ

                  Vắt nửa mình sang thu”

Đây là một hình ảnh thơ sáng tạo, một tưởng tượng độc đáo, chỉ với mười từ được gói gọn trong hai câu thơ, độc giả có thể hình dung ra một bầu trời trong xanh, những đám mây trắng lững lờ trôi, nắng mùa hạ vẫn còn chói chang trên bầu trời, phản chiếu ánh vàng lên những đám mây mỏng nhẹ. Thiên nhiên của hai mùa như đang hoà quyện, giao hòa trong khung cảnh mây trôi. Động từ "vắt" tài tình thể hiện qua nhiều liên tưởng, giúp người đọc hình dung những đám mây nhẹ trôi bồng bềnh uốn lượn như dải lụa mà ai đó tung lên bầu trời. Nó cũng có thể đưa ta suy ngẫm đến hình ảnh của một cây cầu dải yếm hoặc cầu Ô Thước, như trong truyện "Ngưu Lang, Chức Nữ", nối liền trên dải ngân hà… Hình ảnh đám mây làm nên nhịp cầu nối liền hai dải thời gian, hai bờ không gian và thời gian giữa hạ và thu, tạo ra vô số liên tưởng thú vị. Bước qua dải cầu mây mềm mại, ta vượt qua mùa hạ sôi động để chạm đến mùa thu dịu dàng, quyến rũ. Trên đất nước Việt Nam, thơ ca đã nhiều lần mênh mông về đám mây trôi trên bầu trời thu:

 “Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt”

                                        (Nguyễn Khuyến - “Thu điếu”)

Hay:  “Lớp lớp mây cao đùn núi bạc”

                                                   (Huy Cận - “Tràng giang”)

Bằng tài nghệ của mình, Hữu Thỉnh đã biến hình ảnh của các sự vật tự nhiên thành một biểu tượng của thời gian trong vũ trụ. Dòng sông, những đàn chim, và những đám mây được tạo hình bằng cách nhân hóa, mang lại sự sống động và hấp dẫn cho bức tranh của mùa thu.

Trái với sự rõ ràng của dấu hiệu mùa thu trong không gian và thời gian ở hai khổ thơ đầu, trong khổ thơ cuối, tác giả vẫn tiếp tục theo dõi dòng cảm xúc đó. Tuy nhiên, ở phần này, ông bày tỏ những suy ngẫm cá nhân về bản chất của con người và ý nghĩa của cuộc đời:

Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Tác giả Hữu Thỉnh đã sử dụng những hình ảnh quen thuộc để gợi lên bức tranh phong cảnh trong lúc chuyển mùa. Nhờ vào sự tinh tế và nhạy cảm của giác quan, ông đã nghe thấy, nhận thấy và ghi lại những biến đổi của nắng, mưa và âm vang của cuộc sống. Sử dụng hàng loạt các phó từ như "vơi dần", "bớt" để diễn đạt sự giảm dần của các hiện tượng tự nhiên như nắng, mưa và sấm khi mùa thu đang đến. Với một tâm hồn bay bổng của một nhà thơ, sự nhạy cảm và giác quan tinh tế, Hữu Thỉnh đã cảm nhận được sự thay đổi trên bầu trời thu. Nắng mùa hạ vẫn tồn tại nhưng không còn gay gắt, chói lọi và đổ lửa như trước nữa. Mưa mùa hạ vẫn còn nhưng khi chuyển sang thu, nó trở nên thưa hơn, nhẹ nhàng hơn, không còn dữ dội như trước. Tiếng sấm của mùa hạ dần kết thúc theo bước chân của mùa thu, và âm vang của nó cũng giảm đi đáng kể. Mùa thu đến, con người và mọi vật dường như đã quen với tiếng sấm của mùa hạ, không còn cảm thấy bất ngờ hoặc kinh hãi như trước.

Hai câu thơ cuối bài đã lắng xuống cùng với nhiều triết lí sâu xa:

“Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi”.

Hai câu thơ vừa mô tả hiện thực, vừa mang tính biểu tượng: Sấm là một hiện tượng đặc biệt của tự nhiên. Những hàng cây đứng tuổi đã trải qua nhiều năm tháng, chúng là những cây cổ thụ, vững vàng và mạnh mẽ hơn sau mỗi cơn sấm đổ. 

Ngoài ra, câu thơ cũng chứa một ý nghĩa biểu tượng sâu xa: Sấm và hàng cây đứng tuổi là biểu tượng ẩn dụ cho những con người trải qua nhiều năm tháng, trải qua biết bao khó khăn và thách thức. Họ trở nên vững vàng hơn, đối mặt và vượt qua mọi khó khăn, như những cây cổ thụ vững chãi trước cơn sấm đổ. 

Giọng thơ của Hữu Thỉnh không chỉ đơn thuần là một giọng kể, mà còn là sự cảm nhận sâu sắc và suy tư về cuộc sống. Nhìn vào sự biến chuyển của cảnh vật khi mùa thu bắt đầu, ông ta suy nghĩ về sự thay đổi của cuộc đời khi đã "đứng tuổi". Có thể, mùa thu trong đời con người là giai đoạn kết thúc của những ngày thanh xuân sôi nổi, của những trải nghiệm đầy bất thường, và cũng là sự mở ra của một mùa thu mới, một không gian mới, nơi yên bình, tĩnh lặng, và sâu lắng, đối diện với những biến động của cuộc sống. Sự chuyển giao từ mùa hạ sang mùa thu không chỉ là sự biến đổi của thiên nhiên mà còn là sự biến đổi của cuộc đời của mỗi người. Hữu Thỉnh đã thể hiện sự tinh tế và nhạy bén trong việc cảm nhận và liên tưởng. Điều này làm cho những bài thơ của ông mang lại sức mạnh lớn hơn trong việc gợi lên cảm xúc trong lòng người đọc.

Bằng cách sử dụng phép tu từ nhân hóa, những hình ảnh tự nhiên trong bài thơ "Sang thu" của Hữu Thỉnh không chỉ đơn thuần là mô tả mà còn truyền đạt sức mạnh gợi cảm đặc biệt. Với chỉ năm chữ, bức tranh của ông tái hiện một cách tinh tế sự chuyển giao từ cuối hạ sang mùa thu, mang đến một cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát và sáng sủa, đặc trưng cho vùng đồng bằng Bắc Bộ. Qua đó, ông truyền đạt những suy tư sâu sắc về bản chất của con người và cuộc sống. Đọc bài thơ "Sang thu", chúng ta dường như cảm nhận được tình yêu sâu sắc của Hữu Thỉnh đối với thiên nhiên, sự tinh tế và nhạy cảm trong cách ông miêu tả. Điều này thực sự đáng để ta trân trọng và ngưỡng mộ.

Đã nhiều năm trôi qua, nhưng bài thơ "Sang thu" vẫn giữ nguyên giá trị của nó. Các khổ thơ trong bài đã đóng góp không ít vào thành công của tác phẩm. Bản thơ mang đậm màu sắc của sự buồn bã, dịu dàng và lặng lẽ, khiến cho thiên nhiên và con người hòa mình vào giai điệu của mùa thu. Cảnh thu và tình thu đan xen vào nhau, tinh tế và đậm đà, vừa trang trọng vừa ổn định. Một mùa thu tĩnh lặng, nhẹ nhàng và ý nghĩa, mang trong đó tình yêu của con người dành cho quê hương, đất nước. Với những giá trị đó, bài thơ "Sang thu" của Hữu Thỉnh sẽ mãi sống đọng trong lòng của độc giả, không chỉ ngày hôm nay mà còn trong những thế hệ sau này.

Qua bài viết này, VUIHOC đã cung cấp cho các em chi tiết bài soạn bài Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học trang 107 sách Ngữ Văn 8 tập 2 Chân trời sáng tạo. Hi vọng rằng những gợi ý, hướng dẫn của bài soạn có thể giúp các em nắm được những ý chính cũng như trau dồi được nội dung kiến thức. Để học nhiều hơn các kiến thức của những môn học khác thì các em hãy nhanh tay truy cập vào website vuihoc.vn hoặc đăng ký khóa học với các thầy cô giáo của VUIHOC ngay bây giờ nhé!

>> Mời bạn tham khảo thêm: 

Banner after post bài viết tag lớp 8
| đánh giá
Hotline: 0987810990