Cách đọc bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học dễ hiểu nhất - VUIHOC
Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học là bảng khái quát chung nhất về cấu tạo nguyên tử của những nguyên tố trên trái đất. Đây là phần học vô cùng quan trọng trong kiến thức Hóa học 10, để hiểu rõ hơn về phần học này, hãy cùng VUIHOC tìm hiểu về lý thuyết và làm một số bài tập ôn luyện nhé!
1. Sơ lược chung về bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học
Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học biên soạn vào năm 1869 bởi nhà hóa học người Nga – Dimitri Mendeleev. Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học giúp người học dễ dàng sắp xếp, nhận biết và nắm bắt chính xác quy luật của các nguyên tố hóa học trong bảng.
Khi các nguyên tố mới được tìm thấy, bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học đã phải trải qua rất nhiều lần điều chỉnh. Tuy vậy, các hình thức hiển thị cơ bản vẫn giữ nguyên như thiết kế ban đầu của Mendeleev.
2. Cấu tạo trong bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học
2.1. Ô nguyên tố trong bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học
Thể hiện được các thông tin về: số hiệu nguyên tử, ký hiệu hóa học, tên gọi của nguyên tố, nguyên tử khối của nguyên tố hóa học trong mỗi ô.
2.2. Chu kỳ
Dãy các nguyên tố hóa học sẽ được sắp xếp theo chiều tăng dần điện tích hạt nhân và các nguyên tử của các nguyên tố đó có cùng số lớp electron. Có tổng tất cả 7 chu kỳ thuộc bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học. Chu kỳ 1, 2, 3 gọi là chu kỳ nhỏ và chu kì 4, 5, 6, 7 gọi là chu kỳ lớn.
2.3. Nhóm nguyên tố
Tập hợp các nguyên tố có tính chất tương tự nhau do trong nguyên tử của chúng có cùng số electron lớp ngoài cùng và được xếp thành cột theo chiều tăng dần điện tích hạt nhân từ dưới đi lên trên.
Có 2 nhóm nguyên tố chính là nhóm A và nhóm B:
– Các nguyên tố A trong bảng tuần hoàn là: bao gồm các nguyên tố s và p. Số thứ tự nhóm A bằng tổng số electron lớp ngoài cùng.
– Các nguyên tố B trong bảng tuần hoàn là: bao gồm các nguyên tố d và f có cấu hình electron nguyên tử thì tận cùng ở dạng (n-1)dxnsy:
+ Nếu (x+y) = 3 → 7 thì nguyên tố này thuộc nhóm (x+y)B.
+ Nếu (x+y) = 8 → 10 thì nguyên tố này thuộc nhóm VIIIB.
+ Nếu (x+y) > 10 thì nguyên tố này thuộc nhóm (x+y-10)B
3. Số lượng nguyên tố trong bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học
Tính đến nay, có tổng cộng có 118 nguyên tố trong bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học đã được xác thực, bao gồm từ nguyên tố 1 (Hydro) cho tới nguyên tố 118 Oganesson.
Trong tổng cộng 118 nguyên tố trong bảng thì có tới 98 nguyên tố xuất hiện ở trong tự nhiên, 20 nguyên tố còn lại từ thường chỉ xuất hiện ở dạng tổng hợp nhân tạo.
Trong số 98 nguyên tố có trong tự nhiên thì có khoảng 84 nguyên tố là nguyên thuỷ chúng đã được xuất hiện trước khi Trái đất được hình thành. Khoảng 14 nguyên tố ít gặp còn lại thường chỉ xuất hiện ở trong những chuỗi phản ứng phân rã của 84 nguyên tố nguyên thuỷ trên.
Đăng ký ngay để được các thầy cô ôn tập và xây dựng lộ trình học tập THPT vững vàng
4. Cách xem bảng tuần hoàn nguyên tố hoá học
Dưới đây chúng ta sẽ tìm hiểu về cách đọc bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học một cách thật chi tiết:
4.1. Số nguyên tử
Có tên gọi khác là số proton của các nguyên tố hóa học. Số hiệu nguyên tử biểu thị cho số proton của một nguyên tử và số điện tích ở trong hạt nhân. Số hiệu nguyên tử có giá trị tương đương với số electron có trong một nguyên tử trung hòa về điện. Số hiệu nguyên tử sẽ giúp ta xác định duy nhất một nguyên tố hóa học.
4.2. Nguyên tử khối trung bình
Hầu hết các nguyên tố hóa học là hỗn hợp của vô vàn các đồng vị với tỷ lệ % số nguyên tử xác định. Vậy nên nguyên tử khối của những nguyên tố có nhiều đồng vị thường sẽ là nguyên tử khối trung bình của hỗn hợp đồng vị và tính đến tỷ lệ phần trăm của số nguyên tử tương ứng.
4.3. Độ âm điện
Là khả năng hút electron trong quá trình hình thành liên kết hóa học. Độ âm điện sẽ tỉ lệ thuận với tính phi kim. Nếu độ âm điện của nguyên tố càng lớn thì tính phi kim càng mạnh và ngược lại.
4.4. Cấu hình electron
Cho thấy được sự phân bố của các electron trong những trạng thái năng lượng khác nhau ở lớp vỏ nguyên tử hoặc ở những nơi mà chúng có mặt.
4.5. Số oxi hoá
Là số được sử dụng cho 1 hoặc 1 nhóm các nguyên tử. Nhờ vào con số này, chúng ta có thể tính được số electron trao đổi khi chúng tham gia phản ứng.
4.6. Tên nguyên tố
Gồm 1 kiểu nguyên tử duy nhất và được phân biệt dựa vào số hiệu nguyên tử.
4.7. Ký hiệu hoá học
Là tên viết tắt của mỗi nguyên tố hóa học, gồm 1 đến 2 chữ cái Latin. Chữ đầu tiên của các nguyên tố thường sẽ viết hoa.
5. Mẹo học thuộc nhanh bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học
5.1. Học bảng tuần hoàn thông qua cách học truyền thống
Trong phương pháp này, cần phải nhận biết được các thành phần nguyên tố theo 7 mục mà vừa liệt kê ở trên. Theo đó, mỗi ngày, các em nên chia ra học từ 3-5 nguyên tố để dễ ghi nhớ hơn và ghi nhớ lâu dài.
Để thuận tiện cho việc học hơn, các em có thể dán bảng tuần hoàn ở khắp các khu vực dễ nhìn hoặc hay đi qua. Khi đó, các em có thể nhìn thấy và dễ dàng đọc thuộc những nguyên tố đó trong ngày.
5.2. Sử dụng các bài vè, bài thơ hỗ trợ nhớ nhanh
Việc chuyển các dãy nguyên tố hóa học sang những bài văn hoặc bài thơ sẽ giúp khả năng học thuộc của các em trở nên dễ dàng hơn.
Mẹo 1: Học thuộc câu nói vui cho 16 nguyên tố hoạt động hoá học của nguyên tố kim loại:
“ Khi nào cần may áo giáp sắt nên sang phố hỏi cửa hàng Á Phi Âu “ tương ứng l với các nguyên tố lần lượt là: K, Na, Ca, Mg, Al, Zn, Fe, N, S, P, H, Cu, Hg, Ag, Pt, Au.
Mẹo 2: Học thuộc 6 nguyên tố nhóm IA qua câu nói:
“Lâu nay không rảnh coi phim” tương ứng với các nguyên tố lần lượt là Li, Na, K, Rb, Cs, Pr
5.3. Nghiên cứu và ghi nhớ quy luật của bảng tuần hoàn
Mỗi ô trong bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học sẽ hiển thị thông tin về tên, ký hiệu và số hiệu nguyên tử của nguyên tố. Chỉ cần ghi nhớ khoảng 10 nguyên tố đầu tiên, các em có thể tìm ra được các quy luật cho các nguyên tố còn lại.
5.4. In và dán bảng tuần hoàn ở những nơi dễ nhận thấy trong không gian học
Các em hãy dán bảng tuần hoàn ở những nơi dễ quan sát, hay để ý nhất rồi chia thành nhiều phần để dễ học. Điều này thật sự mang đến hiệu quả rất cao trong việc ghi nhớ kiến thức chung.
6. Bài tập vận dụng bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học
6.1. Bài tập tự luận cơ bản và nâng cao SGK
Ví dụ 1: Nhìn vào nhóm VIIIB trong bảng tuần hoàn, cho viết nhóm này có đặc điểm gì khác biệt so với các nhóm còn lại
Lời giải:
Nhóm VIIIB sẽ có 3 cột còn các nhóm khác chỉ có 1 cột.
Các nguyên tố thuộc nhóm VIIIB ở trong bảng tuần hoàn sẽ có tổng số electron lớp ngoài cùng và gần lớp ngoài cùng chưa bão hòa (electron hóa trị) sẽ bằng nhau.
Ví dụ 2: Dựa vào cấu hình electron, cho biết nguyên tố có số hiệu nguyên tố là 6, 8, 18, 20 thuộc khối nguyên tố nào trong bảng tuần hoàn. Các nguyên tố này là kim loại, phi kim hay là khí hiếm.
Lời giải:
Nguyên tố có số hiệu nguyên tử bằng 6 có cấu hình electron là: 1s22s22p4
⇒ Thuộc khối nguyên tố nhóm p, là nguyên tố phi kim.
Nguyên tố có số hiệu nguyên tử bằng 8 có cấu hình electron là: 1s22s22p63s23p6
⇒ Thuộc khối nguyên tố nhóm p, là nguyên tố phi kim.
Nguyên tố có số hiệu nguyên tử bằng 18 có cấu hình electron nguyên tử là: 1s22s22p63s23p6
⇒ Nguyên tố là khí hiếm, thuộc khối nguyên tố nhóm p.
Nguyên tố có số hiệu nguyên tử bằng 20 có cấu hình electron nguyên tử là: 1s22s22p63s23p64s2
⇒ Thuộc khối nguyên tố nhóm s, là nguyên tố kim loại.
Ví dụ 3: Dựa vào cấu hình electron nguyên tố, hãy cho biết nguyên tố có số hiệu nguyên tử bằng 20 thuộc chu kì nào trong bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học?
Lời giải:
Cấu hình electron nguyên tử của nguyên tố có Z = 20 là: 1s22s22p63s23p64s2
⇒ Số thứ tự chu kì sẽ tương ứng với số lớp electron = 4.
Ví dụ 4: Cho biết số electron lớp ngoài cùng, số proton của nguyên tử Al.
Lời giải:
Dựa vào cấu hình electron, nguyên tử aluminium có 3 electron lớp ngoài cùng, số proton bằng số electron và bằng 13.
Hoặc số proton sẽ tương ứng số hiệu nguyên tử = 13.
Ví dụ 5: Mô tả bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học của Mendeleev. Nhận xét gì về cách sắp xếp các nguyên tố hóa học theo chiều hướng từ trên xuống dưới ở trong cùng một cột.
Lời giải:
Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học theo Mendeleev gồm các kí hiệu của các nguyên tố hóa học và khối lượng nguyên tử của những nguyên tố đó.
Các nguyên tố này được sắp xếp vào các hàng và các cột tương ứng theo chiều tăng dần về khối lượng nguyên tử, bắt đầu trong hàng mới khi tính chất của nguyên tố nào đó lặp lại.
6.2. Bài tập trắc nghiệm bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học
Câu 1: Ở trong bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học được sắp xếp theo nguyên tắc nào?
A. Theo chiều tăng của điện tích hạt nhân nguyên tử.
B. Các nguyên tố có cùng số lớp electron nguyên tử sẽ được sắp xếp thành 1 hàng.
C. Các nguyên tố có cùng số electron hoá trị nguyên tử sẽ được sắp xếp thành 1 cột.
D. Cả A, B, C.
Câu 2: Chu kì là:
A. Dãy các nguyên tố mà nguyên tử của các nguyên tố đó có cùng số lớp electron và được sắp xếp theo chiều tăng dần khối lượng nguyên tử.
B. Dãy các nguyên tố mà nguyên tử của của các nguyên tố có cùng số lớp electron và được xếp theo chiều tăng dần số khối.
C. Dãy các nguyên tố mà nguyên tử của các nguyên tố đó có cùng số lớp electron và được xếp theo chiều tăng dần điện tích hạt nhân nguyên tử.
D. Dãy các nguyên tố mà nguyên tử của các nguyên tố đó có cùng số lớp electron và được xếp theo chiều tăng dần số nơtron.
Câu 3: Nhóm nguyên tố là
A. Tập hợp các nguyên tố mà nguyên tử của nguyên tố này có cấu hình electron giống nhau và được xếp ở cùng một cột.
B. Tập hợp các nguyên tố mà nguyên tử của nguyên tố này có cấu hình electron gần giống nhau, do đó có tính chất hoá học giống nhau và được xếp thành một cột.
C. Tập hợp các nguyên tố mà nguyên tử của nguyên tố này có cấu hình electron tương tự nhau, do đó có tính chất hoá học gần giống nhau và được xếp thành một cột.
D. Tập hợp các nguyên tố mà nguyên tử của nguyên tố này có tính chất hoá học giống nhau và được xếp cùng một cột.
Câu 4: Cho cấu hình electron của Mn [Ar]3d54s2. Mn thuộc nguyên tố nào?
A. Nguyên tố s B. Nguyên tố p C. Nguyên tố d D. Nguyên tố f
Câu 5: Cho cấu hình electron nguyên tử của Zn: [Ar] 3d104s2. Vị trí của Zn ở trong bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học là
A. Ô 29, chu kỳ 4, nhóm IIA C. Ô 30, chu kỳ 4, nhóm IIA
B. Ô 30, chu kỳ 4, nhóm IIB. D. Ô 31, chu kỳ 4, nhóm IIB.
Câu 6: Oxit cao nhất của một nguyên tố R chứa 38,8% nguyên tố đó, còn trong hợp chất khí với hidro chứa 2,74% hidro. Xác định nguyên tố R.
A. Cl B. Br C.Ba D. Al
Câu 7: Hợp chất của R với nguyên tố hiđro ở thể khí có dạng là RH4. Oxit cao nhất của nguyên tố R có tỉ lệ oxi 53,3% về khối lượng. Nguyên tố R sẽ có số khối là:
A. 12. B. 28. C. 32. D. 31.
Câu 8: Nguyên tố X có hóa trị cao nhất với nguyên tố oxi bằng với hóa trị trong hợp chất khí với nguyên tố hiđro. Phân tử khối của oxit này bằng 2,75 lần phân tử khối của hợp chất khí này với hiđro. Vậy X là nguyên tố:
A. C. B.Si. C. Ge. D. S.
Câu 9: Nguyên tố X có công thức oxit cao nhất với Oxi là XO2, trong đó tỉ lệ khối lượng của nguyên tố X và O là 3/8. Công thức của XO2 sẽ là
A. CO2. B. NO2. C. SO2. D. SiO2.
Câu 10: Trong trạng thái cơ bản, cấu hình electron nguyên tử ở lớp ngoài cùng của nguyên tử nguyên tố X là 3s23p1. Vị trí của nguyên tố X trong bảng tuần hoàn sẽ là
A. Chu kì 3, nhóm IIIB. B. Chu kì 3, nhóm IA.
C. Chu kì 4, nhóm IB. D. Chu kì 3, nhóm IIIA.
Câu 11: Trong trạng thái cơ bản, cấu hình electron nguyên tử ở lớp ngoài cùng của nguyên tử nguyên tố X là 3s2. Số hiệu nguyên tử của nguyên tố X bằng:
A. 12. B. 13. C. 11. D. 14.
Câu 12: Nguyên tử X có electron ph ởân lớp ngoài cùng là 3p4. Hãy xác định ý sai trong các ý dưới đây khi nói về nguyên tử X
A. Lớp ngoài cùng của nguyên tử X có 6 electron
B. Hạt nhân của nguyên tử X có 16 electron
C. Trong bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học, nguyên tố X thuôc chu kì 3
D. Nguyên tố X nằm thuộc nhóm VIA
Câu 13: Nguyên tử R tạo được Anion R2-. Cấu hình electron nguyen tử của R2- ở trạng thái cơ bản là 3p6. Tổng số hạt mang điện trong nguyên tử R là.
A.18 B.32 C.38 D.19
Câu 14: Nguyên tử của nguyên tố A có tổng số electron ở phân lớp p là 5, Vị trí của nguyên tố A trong bảng tuần hoàn là
A. Nhóm VA, chu kì 3. B. VIIA, chu kì 2.
C. VIIB, chu kì 2. D. VIA, chu kì 3.
Câu 15: X là nguyên tố p. Tổng số hạt có trong nguyên tử của nguyên tố X bằng 40. Vị trí của nguyên tố X trong bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học là
A. Ô thứ 40, chu kỳ 5, nhóm IVB. B. Ô thứ 14, chu kỳ 3, nhóm IIA.
C. Ô thứ 13, chu kỳ 3, nhóm IIIA. D. Ô thứ 15, chu kỳ 3, nhóm VA.
Câu 16: Nguyên tố X (Z=34). Vị trí của X là
A. Ô thứ 34, chu kỳ 4, nhóm VIA. B. Ô thứ 34, chu kỳ 4, nhóm VIB
C. Ô thứ 34, chu kỳ 4, nhóm VA. D. Ô thứ 34, chu kỳ 4, nhóm VB.
Câu 17: Nguyên tử của nguyên tố nào dưới đây có khuynh hướng sẽ nhường 1 electron ở trong các phản ứng hóa học?
A. Na thuộc ô thứ 11 trong bảng tuần hoàn.
B. Mg thuộc ô thứ 12 trong bảng tuần hoàn.
C. Al thuộc ô thứ 13 trong bảng tuần hoàn.
D. Si ở thuộc thứ 14 trong bảng tuần hoàn.
Câu 18: Một nguyên tố R có cấu hình electron nguyên tử là: 1s22s22p63s23p4, công thức của hợp chất giữa R với hiđro và công thức oxit cao nhất sẽ là:
A. RH2, RO. B. RH2, RO3. C. RH2, RO2. D. RH5, R2O5.
Câu 19: Nguyên tố thuộc chu kỳ 5 và nhóm VIA có cấu hình electron hóa trị sẽ là
A. …6s26p6. B. …6s26p3. C. …5s25p6. D. …5s25p4.
Câu 20: Nguyên tố X có cấu hình electron nguyên tử là 1s22s22p3. Vậy vị trí của nguyên tố X trong bảng tuần hoàn và công thức của hợp chất khí với hiđro của nguyên tố X là :
A. Chu kì 2, nhóm VA, HXO3.
B. Chu kì 2, nhóm VA, XH4.
C. Chu kì 2, nhóm VA, XH3.
D. Chu kì 2, nhóm VA, XH2.
Đáp án tham khảo:
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 |
D | C | C | C | B | A | B | A | A | D |
11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 |
A | B | B | B | C | A | A | B | B | C |
PAS VUIHOC – GIẢI PHÁP ÔN LUYỆN CÁ NHÂN HÓA
Khóa học online ĐẦU TIÊN VÀ DUY NHẤT:
⭐ Xây dựng lộ trình học từ mất gốc đến 27+
⭐ Chọn thầy cô, lớp, môn học theo sở thích
⭐ Tương tác trực tiếp hai chiều cùng thầy cô
⭐ Học đi học lại đến khi nào hiểu bài thì thôi
⭐ Rèn tips tricks giúp tăng tốc thời gian làm đề
⭐ Tặng full bộ tài liệu độc quyền trong quá trình học tập
Đăng ký học thử miễn phí ngay!!
Qua bài viết này, VUIHOC mong rằng có thể giúp các em hiểu được phần nào kiến thức về bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học. Để học nhiều hơn các kiến thức Hóa học 10 cũng như Hóa học THPT thì các em hãy truy cập vuihoc.vn hoặc đăng ký khoá học với các thầy cô VUIHOC ngay bây giờ nhé!