img
Thông báo
Sắp bắt đầu năm học mới, lớp hiện tại của bạn đang là lớp {{gradeId}}, bạn có muốn thay đổi lớp không?
img

Soạn bài: Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm truyện - Sách kết nối tri thức + cánh diều

Tác giả Hoàng Uyên 14:50 30/11/2023 170,777 Tag Lớp 11

Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm truyện là một hình thức nghị luận thường xuyên gặp trong kỳ thi THPT Quốc gia môn ngữ văn. Để có thể biết cách viết một văn bản nghị luận về tác phẩm truyện hay, trong bài viết này VUIHOC sẽ cung cấp cho các bạn phần soạn bài và trả lời các câu hỏi trong hai đầu sách giáo khoa ngữ văn, cùng theo dõi nhé!

Soạn bài: Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm truyện - Sách kết nối tri thức + cánh diều
Mục lục bài viết
{{ section?.element?.title }}
{{ item?.title }}
Mục lục bài viết x
{{section?.element?.title}}
{{item?.title}}

1. Soạn bài Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm truyện - Sách kết nối tri thức

1.1 Trả lời câu hỏi trong bài viết tham khảo

Văn bản: Phân tích một vài nét về nghệ thuật tự sự của Nam Cao trong truyện ngắn Đời thừa.

Câu 1: Giới thiệu tác phẩm và phương diện nghệ thuật của tác phẩm mà bài viết sẽ đi sâu phân tích.

Lời giải chi tiết:

- Giới thiệu về tác phẩm: Đời thừa là một trong những tác phẩm truyện ngắn rất nổi bật của nhà văn Nam Cao ở trong mảng đề tài về con người trí thức. Tác phẩm này đã đánh giá được sự chín muồi có trong tư tưởng nghệ thuật của nhà văn và thường được người đọc xem như một bản tuyên ngôn của nhà văn Nam Cao về văn học.

- Trên phương diện nghệ thuật của tác phẩm Đời thừa mà bài viết phân tích sẽ đi sâu vào để phân tích đó là giá trị về mặt tư tưởng và những đặc sắc trong nghệ thuật tự sự của tác phẩm Đời thừa của nhà văn Nam Cao. 

Câu 2: Mô tả và đánh giá cách Nam Cao kiến tạo truyện kể.

Lời giải chi tiết:

- Tác phẩm Đời thừa có cấu trúc của một văn bản truyện ngắn rất điển hình. Toàn bộ câu chuyện chỉ diễn ra và gói gọn từ ngày hôm trước cho đến ngày hôm sau với một sự kiện trung tâm đo chính là trận say rượu của nhà văn Hộ. Truyện ngắn này cũng không được thuật lại theo một trình tự thời gian nhất định. Mở đầu câu chuyện bằng một dòng hồi tưởng của Hộ rồi sau đó quay trở lại cảnh hiện tại. Đây là một phong cách nhằm phá vỡ đi trật tự của sự kiện khá điển hình có trong văn chương. 

- Đánh giá: Cách tạo ra truyện kể của tác giả Nam Cao khá độc đáo và tinh tế. Từ trong lối truyện ngắn truyền thống, ông đã thay đổi trật tự của những câu chuyện, kể chuyện dựa theo dòng hồi tưởng của nhân vật Hộ bên cạnh đó cũng đan xen với những chi tiết hiện tại cũng đã làm nổi bật nên một niềm say mê lớn nhất của nhân vật đó chính là đọc sách. Để từ đó có thể giúp cho người đọc hiểu được bản chất của con người tài hoa ấy, khi bị hoàn cảnh đen tối  vùi dập đã trở nên tha hóa và khổ đau như thế nào. 

Câu 3: Chỉ ra đặc điểm của người kể chuyện trong truyện ngắn (ngôi kể và điểm nhìn)

Lời giải chi tiết:

- Ngôi kể truyện: truyện được kể theo ngôi kể thứ ba.

- Điểm nhìn trần thuật: điểm nhìn trần thuật từ bên trong, gắn với ý thức, tư duy của mỗi nhân vật. Hình thức trần thuật hướng nội này cũng rất phù hợp với việc khắc họa nên những nhân vật có nội tâm và tư tưởng đầy hỗn loạn như Hộ.  

Câu 4: Phân tích vai trò của ngôi kể, điểm nhìn và lời trần thuật trong việc khắc họa nhân vật.

Lời giải chi tiết:

- Trong tác phẩm Đời thừa, nhân vật Hộ vốn là một người có một tư tưởng, hoài bão về văn chương vô cùng lớn lao. Nhưng chính vì dòng đời xô đẩy, vì lẽ sống buộc phải đi bươn chải kiếm tiền để nuôi vợ con của mình, anh buộc phải bán đứng đi những lý tưởng văn chương cao đẹp của bản thân và từ đó cũng đã dẫn đến sự tha hóa trong nhân cách của chính con người anh. Một con người vốn có một nội tâm vô cùng phức tạp và khó hiểu như vậy nhờ vào việc sử dụng ngôi kể truyện là ngôi thứ ba cũng sẽ giúp cho người đọc dễ dàng có thể nắm bắt được những diễn biến tâm lí chính của nhân vật. Từ việc hồi tưởng về những điều quá khứ, nghĩ về những năm tháng thời kỳ hoàng kim nhất của đời mình, rồi đến thời gian hiện thực tàn khốc rồi cũng hiểu ra được chính mình nhưng lại trong một cơn say… Tất cả cũng đã làm nổi bật nên được nội tâm của một người đang bị giằng xé khi bắt buộc phải đưa ra lựa chọn trước lý tưởng văn chương thanh cao vốn có của bản thân và nỗi lo thường nhật về cơm ăn, áo mặc ở trong cuộc sống thực tại.

- Kết hợp với việc tác giả lựa chọn được điểm nhìn bên trong, gắn với ý thức của từng nhân vật cũng đã giúp cho việc miêu tả nên những diễn biến tâm lý của nhân vật của tác giả Nam Cao cũng được thể hiện rõ ràng. Một người mà luôn mang trong mình một hoài bão lớn, lý tưởng lớn về tư tưởng văn chương cao đẹp nhưng lại phải chịu đựng một nỗi lo cao cả về cơm áo gạo tiền mà cũng đã trở nên tha hóa từ trong nhân cách, đã làm khổ vợ con. Nội tâm anh cũng luôn đấu tranh mạnh mẽ về điều này. Khi say rượu, anh cũng đã thú nhận với Tứ nhưng Tứ ngược lại, Tứ không trách anh mà đã nhận lỗi về bản thân mình bởi vì cô đã nghĩ rằng bởi một nỗi lo toan nặng chĩu về cuộc sống cũng đã biến một con người từ người rất tài hoa, vốn có tình yêu đối với văn chương bằng cả mạng sống đã trở thành một tên tha hóa, nát rượu, đánh đập vợ con.

Cô cũng thương cho người chồng bị những cái khổ và bị vùi dập mà không nỡ trách cứ anh điều gì, chỉ dám nhận lỗi về bản thân mình. Đến đây, tác giả cũng đã thành công sử dụng được điểm nhìn bên trong để có thể soi chiếu từng nhân vật cũng cùng cách trần thuật hướng nội đã góp phần làm rõ nên được tính cách chính của hai nhân vật trong truyện, một người đã nhận ra được lỗi lầm của bản thân mình và một người có một tấm lòng vị tha sâu sắc. Đó chính là hiện lên của tình cảm, sự cảm thông của những con người trong hoàn cảnh nghèo khổ với nhau.

Câu 5: Chỉ ra mối liên hệ giữa người kể chuyện trong tác phẩm với nhà văn

Lời giải chi tiết:

Người kể chuyện được coi là hóa thân của tác giả Nam Cao ở trong câu chuyện Đời thừa. Bởi trong truyện, bên cạnh việc thể hiện được tinh thần đồng cảm với hoàn cảnh, sự ăn năn hối lỗi về những sai lầm của nhân vật Hộ thì người kể chuyện cũng đã thể hiện được sự đanh thép, nghiêm khắc thông qua cách xưng hô đối với nhân vật này về sự lầm tưởng của anh ta. Anh ta thực chất không tài giỏi thật sự như anh ta nghĩ, anh chỉ nghĩ rằng mình đang cưu mang nhân vật Tứ nhưng thực chất lại là đang dày vò cuộc sống của cô.

Anh tâm tâm niệm niệm về ý nghĩa của văn chương thanh cap của mình nhưng lại quá xa rời với hiện thực tàn khốc của cuộc sống, và đó chính là sai lầm lớn nhất của anh. Tác giả hay cũng chính là người kể chuyện đã mỉa mai, lên án nên sự ngộ nhận ở trong cuộc đấu tranh nội tâm của nhân vật Hộ và đồng thời cũng đã chỉ ra sai lầm ở trong nhận thức của anh từ đó cũng để anh thấy được những lỗi lầm của bản thân mình.

Câu 6: Đánh giá giá trị của tác phẩm

Lời giải chi tiết:

Tác phẩm Đời thừa của nhà văn Nam Cao vừa có tinh thần nhân đạo và vừa có giá trị phê phán hiện thực một cách sâu sắc. Một mặt ông cũng đồng cảm với những con người tự nhìn nhận ra được lỗi lầm to lớn của mình. Nhưng mặt khác, ông cũng đã phê phán những nhóm người trí thức đã đánh mất đi chính mình vì hoàn cảnh éo le. Đồng thời, ông cũng phê phán một cách gay gắt cái xã hội mục nát, đã đẩy con người phải rơi vào những tình thế éo le, nơi mà tất cả mọi thứ đều sẽ bị đổ lỗi cho hoàn cảnh, và ở đó, lí tưởng, khát vọng lớn lao của con người sẽ bị hy sinh, tha hóa bởi những thứ nhỏ nhặt nhưng đen tối trong đời sống. Nam Cao đã thể hiện được đúng bản chất của mình giống như tác giả Nguyễn Minh Châu đã từng nói “tấm lòng thương đời nhất” và “con mắt nhìn đời ác nhất”. 

Giải pháp học và ôn tập thi tốt nghiệp THPT Quốc Gia - Khóa học PAS THPT 

1.2 Trả lời câu hỏi sau khi đọc bài viết tham khảo: 

Câu 1: Trang 43 SGK Văn 11/1 Kết nối tri thức

Lời giải chi tiết:

Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn của tác giả Nam Cao cũng đã được thể hiện ở trên nhiều phương diện nhưng trong đó phương diện đáng chú ý nhất là về điểm nhìn và lối trần thuật đặc sắc của tác giả. Với điểm nhìn từ bên trong, soi chiếu rõ nên được nội tâm hỗn loạn của các nhân vật kết hợp với lối trần thuật hướng nội cũng giúp tác giả thể hiện được tốt nhất nội tâm đang đấu tranh, giằng xé để có thể nhận ra được lỗi lầm của bản thân nhân vật Hộ. Anh có tình yêu đối với văn chương, sống với một lý tưởng thanh cao nhưng nằm trên đó là nỗi lo về mưu sinh, kiếm sống, anh không thể theo đuổi lý tưởng đó một cách trọn vẹn mà buộc phải rẽ hướng rồi bị tha hóa bởi chính điều khiến anh phải rẽ hướng.

Quá trình biến đổi, rồi cả những dòng hồi tưởng của anh về quá khứ hoàng kim cũng đều được tác giả Nam Cao khắc họa lên một cách rõ nét nhất ở dưới góc nhìn của nhân vật chính đồng thời dưới đánh giá của tác giả. Sự nhất quán giữa điểm nhìn và lối trần thuật cũng giúp lời văn của tác giả càng thêm trở nên chân thực, giá trị biểu cảm và ý nghĩa cũng được truyền tải một cách rõ nét hơn. Đây cũng chính là một điểm vô cùng quan trọng góp phần làm nên sự thành công to lớn của tác phẩm.

Câu 2: Trang 43 SGK Văn 11/1 Kết nối tri thức

Lời giải chi tiết:

Khi phân tích tác phẩm trên từng phương diện đã làm nên sức hấp dẫn trong  nghệ thuật tự sự của tác phẩm Đời thừa, tác giả đã đi theo trình tự tự sự theo diễn biến tâm lý của nhân vật Hộ. Toàn bộ câu chuyện cũng chính là diễn biến xảy ra từ ngày hôm trước đến sáng hôm sau với trung tâm là trận say rượu của nhà văn Hộ. Tác giả đã men theo tâm lý của nhân vật Hộ để có thể đưa ra được một trình tự truyện hết sức hợp lý. Mở đầu của truyện chính là dòng hồi tưởng về quá khứ của văn Hộ về những ngày tháng thời còn hoàng kim, khi mà anh ta vẫn có nhiều thời gian, tâm trí để đọc sách, viết bài mà anh ta không hề bị trói buộc bởi vấn đề gì – những ngày tháng ấy là quãng thời gian mà anh được sống đúng với niềm đam mê, sở thích cháy bỏng của chính mình. Rồi sau đó tác giả lại quay về với thời điểm hiện tại, một hiện thực vô  cùng tàn khốc khi nhân vật Hộ cảm thấy quá mệt mỏi đối với cuộc sống hiện tại và đã tìm đến rượu. Anh chàng chán ngán những ngày tháng phải vùi đầu vào viết bài nhưng là để kiếm sống, từ chối sự dễ dãi của xã hội đối với những bài viết mà anh khó khăn để viết ra, căm hận bản thân mình vì đã đánh mất đi lý tưởng văn chương cao đẹp ban đầu để buộc phải chạy theo nỗi lo về cơm áo, gạo tiền. Để từ đây, anh cũng đã nhận ra được lỗi lầm của bản thân, bày tỏ ra nỗi lòng với Tứ. Trình tự sắp xếp sự kiện như trong tác phẩm là hết sức hợp lý, phù hợp với diễn biến tâm lý của từng nhân vật ở trong truyện. 

Câu 3: Trang 43 SGK Văn 11/1 Kết nối tri thức

Lời giải chi tiết:

- Điều mà em có thể học hỏi được từ trên phương diện nghệ thuật tự sự có trong tác phẩm Đời thừa là chính là cách tác giả Nam Cao lựa chọn ngôi kể, cách mà ông đã đặt điểm nhìn và đưa ra được một lối trần thuật hợp lý xuyên suốt toàn bộ tác phẩm. Yếu tố đã làm nên thành công của tác phẩm này nằm ở chỗ là người viết có thể giúp cho người đọc hiểu được ý đồ của bản thân mình hay không, chính bởi vậy, việc tạo ra được một cốt truyện hợp lí, câu từ, ngữ nghĩa phù hợp với từng nhân vật, hoàn cảnh là hết sức cần thiết đối với một bài viết xuất sắc. 

- Bài viết trên có một số chỗ chưa làm em thỏa mãn đó chính là bài viết chưa nói sâu hơn về ý nghĩa của phần kết truyện. Tác giả cũng mới chỉ dừng lại ở việc đưa ra được thông tin mà lại chưa phân tích ra được ý đồ nghệ thuật của tác giả bởi đây vốn chính là một cái kết mở, một cái kết rất ngổn ngang. Người đọc cũng chắc hẳn sẽ cảm thấy vô cùng tò mò về những sự kiện tiếp theo có thể sẽ diễn ra. Vậy nên việc ta cần nói sâu vào phần kết của câu chuyện cũng là điều hợp lí.

1.3 Thực hành viết 

a. Chọn đề bài và lập dàn ý 

Đề bài: Phân tích nghệ thuật xây dựng tình huống trong truyện ngắn “Vợ nhặt” – Kim Lân.

*Mở bài

- Giới thiệu một cách sơ lược về tác giả và tác phẩm:

+ Kim Lân là một nhà văn một lòng một dạ hướng về với "đất", với "người", với "thuần hậu nguyên thủy" của cuộc sống vùng nông thôn.

+ Nạn đói diễn ra vào năm 1945 đã đi vào nhiều những trang viết của rất nhiều các nhà văn, nhà thơ trong đó nổi bật lên là có tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân.

- Dẫn dắt và giới thiệu vấn đề : Tình huống truyện vô cùng độc đáo trong truyện ngắn Vợ Nhặt.

* Thân bài

  •  Khái niệm về tình huống truyện

- Tình huống truyện là một hoàn cảnh riêng được tạo nên bởi một hiện tượng hay sự kiện đặc biệt mà tại đó cuộc sống của nhân vật được hiện lên đậm chất nhất, bộc lộ được rõ nét nhất ra ý đồ tư tưởng của tác giả.

- Tình huống truyện nắm giữ vai trò là hạt nhân của cấu trúc và thể loại.

  •  Phân tích tình huống nhặt vợ trong truyện ngắn:

- Bối cảnh xây dựng nên tình huống truyện:

+ Bối cảnh xây dựng nên tình huống truyện được mô tả là nạn đói khủng khiếp năm 1945 mà kết quả là đã khiến cho hơn hai triệu người nhân dân chết đói.

+ Trong một bầu không không khí ảm đạm, thê lương bao trùm, những người sống nhưng luôn bị cái chết đe dọa đến mạng sống.

- Tóm tắt tình huống: Vốn là một anh chàng dân của xóm ngụ cư, xấu trai, ế ẩm lại còn nghèo, thế nhưng mà Tràng đã “nhặt” được người vợ một cách ngẫu nhiên và cũng quá là dễ dàng ngay trong những tháng ngày đói khát tăm tối chỉ bằng mấy câu hát đơn giản, mấy lời bông đùa vu vơ “tầm phơ tầm phào”, mấy bát bánh đúc rẻ tiền…

- Các chi tiết độc đáo tạo nên tính đặc sắc của tình huống truyện:

+ Ở Tràng đã hội tụ nên nhiều yếu tố khiến cho khả năng anh bị “ế” vợ rất cao:

Ngoại hình thì xấu xí, thô kệch.

Tính tình thì có phần ngờ nghệch, không bình thường.

Ăn nói lại cộc cằn và thô lỗ.

Nhà anh nghèo, anh ta phải đi làm thuê để nuôi mình và một người mẹ già.

Nạn đói năm ấy đe dọa lên mọi người dân, cái chết đeo bám.

+ Tràng lấy vợ trong hoàn cảnh này chính là lấy thêm cho mình thêm một tai họa (theo lô gíc thuận tự nhiên).

+ Việc Tràng nhặt vợ là một tình huống vô cùng bất ngờ khiến cho:

Cả xóm ngụ cư sửng sốt và ngạc nhiên.

Bà cụ Tứ - mẹ của Tràng cũng hết sức ngạc nhiên

Bản thân Tràng khi lấy được vợ rồi nhưng vẫn còn “ngờ ngợ”.

+ Tình huống truyện gây ra sự bất ngờ nhưng lại vô cùng hợp lý:

Nếu không phải vì năm ấy xảy ra nạn đói khủng khiếp thì "người ta" cũng không thèm lấy một người giống như Tràng.

Tràng lại lấy được vợ theo kiểu “nhặt” được.

Giá trị của tình huống trong truyện: 

- Giá trị về hiện thực:

+ Phác họa nên tình cảnh thê thảm của những con người khi sống trong nạn đói năm Ất Dậu:

Cái đói đã dồn đuổi con người.

Cái đói đã bóp méo đi cả nhân cách.

Cái đói cũng đã khiến cho hạnh phúc trở nên thật mỏng manh, tội nghiệp.

+ Tố cáo một cách mạnh mẽ nên tội ác tày trời của bè lũ bọn thực dân Pháp, phát xít Nhật đã gây ra nạn đói năm 1945 khủng khiếp cho nhân dân ta.

- Giá trị về nhân đạo

+ Tình người vô cùng cao đẹp đã được thể hiện thông qua cách đối xử với nhau giữa các nhân vật ở trong truyện.

Tràng đã rất trân trọng người “vợ nhặt” của mình.

Thiên chức, bổn phận khi làm vợ, làm dâu đã được đánh thức nơi người “vợ nhặt” sau khi về làm vợ, làm dâu.

Tình yêu thương con cái vô bờ bến của bà cụ Tứ.

+ Con người luôn luôn hướng đến sự sống tự do và luôn sống trong sự hi vọng, tin tưởng ở một tương lai tươi sáng:

Tràng đã lấy vợ cũng là để duy trì sự sống của anh cũng như của người vợ.

Bà cụ Tứ, một người già nhưng lại luôn miệng nói về cuộc sống ngày mai với những dự định trong tương lai đầy thiết thực đã tạo nên được niềm tin cho con dâu mới vào một cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai.

+ Đoạn kết của tác phẩm với hình ảnh là một lá cờ đỏ và đoàn người đi phá kho thóc của Nhật.

*Kết bài

- Khẳng định được tài năng của nhà văn thông qua việc xây dựng được tình huống truyện sáng tạo, độc đáo, hấp dẫn.

- Khẳng định được giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo đã được thể hiện của tác phẩm.

Học văn dễ dàng hơn với cuốn sổ tay tổng hợp kiến thức Ngữ Văn đầy đủ nhất! 

b. Thực hành viết văn bản nghị luận về một tác phẩm truyện 

Để cho một tác phẩm văn học hiện đại trở nên thành công thì cần phải có sự kết hợp rất nhiều yếu tố tác động vào như nội dung, nghệ thuật, cùng với các giá trị nhân văn mà các tác phẩm văn học ấy có thể mang lại cho người đọc. Một trong những yếu tố vô cùng quan trọng ấy đó chính là cách thức xây dựng nên tình huống truyện của các tác giả. Một câu truyện ngắn muốn hay, cuốn hút với người đọc thì cần phải có được một cốt truyện xuyên suốt đầy hấp dẫn. Một trong số ít những nhà văn nước ta được mệnh danh là bậc thầy trong khả năng xây dựng cốt truyện đó chính là tác giả Kim Lân. Các tác phẩm văn học của ông đều chứa đựng những nét riêng biệt, đặc sắc, nổi bật ở trong số đó chính là tác phẩm truyện ngắn “Vợ nhặt”. Truyện ngắn đã phản ánh được sự thật tàn khốc về nạn đói những năm 1945 và cuộc sống cơ cực nghèo khổ của những người nhân dân thời bấy giờ.

Truyện ngắn Vợ nhặt nói về nhân vật Tràng, là một người nông dân ngụ cư nghèo khổ sống cùng một người mẹ già. Nhà văn Kim Lân đã miêu tả nhân vật Tràng giống như một sản phẩm tạo ra vội vàng của tạo hóa “hai con mắt nhỏ tí gà gà đắm vào bóng chiều, hai quai hàm bạnh ra, cái mặt bặm lại lúc nào cũng nhấp nhỉnh những ý nghĩ vừa lý thú vừa dữ tợn. Cái đầu trọc nhẵn chúi về đằng trước, cái lưng dài rộng như là lưng gấu lại thêm tật vừa đi vừa ngẩng mặt lên trời cười hềnh hệch". Quả thực Tràng là một người thanh niên qua lời kể của tác giả rất xấu xí, chẳng ai thèm ngó ngàng tới. Chẳng những vậy, cái nghèo khó, cái đói lại luôn đeo bám, quẩn quanh lấy hai mẹ con của Tràng. Kim Lân cũng đã dùng những từ ngữ vô cùng chân thật để miêu tả nên cuộc sống và ngôi nhà cũ nát mà Tràng đang sinh sống “những búi cỏ dại lổn nhổn”, “đống quần áo rách vắt khươm mươi niên trong một góc nhà”, “hai cái ang nước để khô cong trơ trọi dưới gốc cây ổi”…. Cuộc sống vô cùng túng thiếu của hai mẹ con Tràng được hiện lên chân thật, giản dị nhưng lại cực kỳ tội nghiệp, khiến cho người khác không khỏi cảm thấy đau thương cho hai số phận của hai người nông dân. Nhưng điều mà làm cho Tràng cảm thấy tủi nhục nhất có lẽ chính là việc mang trong mình một cái danh dân ngụ cư, bị mọi người trong làng khinh miệt, coi thường.

Tuy rằng nghèo đói nhưng chàng trai vẫn cố gắng và có một công việc để làm, để trông mong, đó chính là làm nghề phụ xe, hàng ngày phải bốc vác, chở gạo đi ra các chợ. Công việc này thì rất vất vả, đói khát nhưng quả thật anh ta luôn luôn thể hiện được tinh thần vui vẻ, lạc quan. Giữa một trời trưa đầy nắng gắt, anh ta phải kéo cả một xe gạo đầy nặng trĩu, nhưng chàng ta vẫn có sức để có thể cất lên những câu hò:

“Muốn ăn cơm trắng mấy giò này

Lại đây mà đẩy xe bò với anh nì”

Những câu hò này không hẳn là có mục đích trêu ghẹo những cô gái đang ngồi ở bên đường, mà chủ yếu là để giúp cho chàng ta quên đi được những mệt mỏi, đói khát mà anh ta đang phải chịu trong khi làm việc. Ấy vậy mà chỉ bằng dăm ba câu nói, lời hát vu vơ mà đã khiến cho Tràng được một người phụ nữ lạ để ý tới và tình nguyện đi theo đẩy xe giúp chàng trai. Tràng là người hiểu rõ được hơn ai hết những gì mà anh ta hát ở trên thực ra  không phải là sự thật, làm gì mà có thứ gạo trắng để mà ăn chứ nói gì đến giò hay chả . Để rồi cho đến khi Tràng gặp lại người con gái ấy lần thứ hai, Tràng đã rất đỗi ngạc nhiên và sửng sốt trước sự thay đổi ngoại hình nhanh chóng của Thị “Thị hôm nay rách quá, trên khuôn mặt lưỡi cày chỉ trơ lại hai con mắt”.

Quả thực nhân vật Thị đã gầy đi so với lần gặp trước rất nhiều, có lẽ vì đói, vì khát mà cơ thể và con người Thị đã bị tàn phá đi nhanh chóng đến như vậy. Thị chạy đến với vẻ mặt sưng sỉa trước mặt của Tràng “Điêu! người thế mà điêu”, mới đầu hắn ta cũng bất ngờ và chẳng hiểu gì nhưng rồi sau một lúc thì cũng ngộ ra rồi hắn mời Thị đi ăn gì cô muốn “thích ăn gì thì ăn”. Thị ta cũng chẳng ngại ngùng gì mà liền cắm đầu vào ăn liền một chặp bốn bát bánh đúc, quả thực lúc ấy trông thị ta vô cùng rất trơ trẽn. Người ngoài nhìn vào cô có những người sẽ tỏ ra khinh bỉ, cho rằng thị ta đã vứt hết đi cả lòng tự trọng chỉ để có miếng ăn, nhưng cũng sẽ vẫn có những người cảm thấy xót thương, đồng cảm đối với một con người đang phải chịu đựng cơn đói đang hành hạ ngày đêm. Khi ấy, con người ta cũng chẳng còn sức đâu để bận tâm đến danh dự, hay nhân phẩm gì nữa, ăn cho no mới là điều quan trọng hơn hết. Đợi cho đến khi Thị ăn xong, Tràng cũng có nói một câu nửa vui nửa đùa rằng “về với tớ thì khuôn hàng lên xe rồi cùng về”. Tưởng rằng Thị sẽ cười chê mình, nào ngờ Thị theo anh về thật, về làm dâu cho nhà Tràng. Một đám cưới không phông bạt, không khách khứa đã diễn ra.

Việc một người con trai lớn lên, xây nhà, cưới vợ là một việc quá đỗi bình thường, nhưng đối với nhân vật Tràng vốn lại là một chàng thanh niên xấu xí, nghèo đói, gia cảnh thì khó khăn, đặc biệt lại là dân ngụ cư nữa nên việc Tràng có thể lấy được vợ cũng đã làm cho rất nhiều người ngạc nhiên. Qua đây, chúng ta có thể thấy được nghệ thuật xây dựng nên tình huống truyện vô cùng độc đáo của tác giả Kim Lân: vợ đáng lẽ ra là người mà ta yêu, thông qua tìm hiểu, đính ước mà có thể đến với nhau, nhưng ở đây, Tràng ta lại là “nhặt” được vợ theo đúng với nghĩa đen và của hồi môn chắc cũng có lẽ chỉ là vài bát bánh đúc mà nàng thị ta vừa mới ăn lúc trước.

Việc Tràng ta có vợ cũng khiến cho rất nhiều người ngạc nhiên, cụ Tứ – mẹ Tràng cùng với tất cả những người nhân dân thôn ngụ cư, người trong xóm cũng lạ lẫm: Họ đứng cả dậy trong ngưỡng cửa để nhìn ra bàn tán. Đến khi hiểu ra rằng là Tràng đã có vợ theo về, thì họ lại càng thêm ngạc nhiên hơn nữa. Người thì đã “cười lên rung rúc", người lại lo lắng dùm cho anh ta "Ôi chao! Giời đất này còn rước cái của nợ dài về". Không biết có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không?”. Người đời thì cười chê, chế nhạo thế nhưng cũng chẳng ai khiến cho hai vợ chồng của Tràng cảm thấy tủi nhục hay xấu hổ. Cho đến khi dẫn được Thị về nhà, cả cụ Tứ hay cả Tràng cũng đều không tin được rằng nhà mình đã có con dâu.

Cụ Tứ cũng vừa vui vừa buồn, cũng vừa cảm thấy thương xót cho số phận con trai mình. Bà vui vì con trai lớn của mình đã đến tuổi trưởng thành và đã cưới được vợ, bà cũng mừng cho hai đứa chúng nó, tuy vậy bà cũng có phần khá buồn, buồn vì gia đình của nhà mình quá nghèo khó. Đám cưới gì mà lại chẳng có cờ có hoa, cũng không có nổi một mâm cỗ, không kèn trống, không có người đưa đón, chỉ đơn giản là đôi trẻ đưa dẫn nhau về ở chung, cùng nhau vun vén hạnh phúc, xây dựng gia đình. Bước vào trong căn nhà lụp xụp mà hai mẹ con của Tràng đang ở mà Thị cũng chỉ biết thở dài, bắt tay ngay vào công việc dọn dẹp. Đến bữa ăn đầu tiên khi về nhà chồng cũng chỉ đơn giản là một nồi cháo loãng cùng với chút muối trắng, cuộc sống của ba con người hiện lên quả thực rất nghèo khổ.

Qua câu chuyện, nhà văn cũng đã dành những thứ tình cảm tốt đẹp nhất đối với những con người nghèo khổ trong xã hội xưa bằng cả trái tim và tấm lòng nhân hậu của mình. Ông cũng xót thương cho dân tộc nước ta trước một thảm họa của đói chết. Ông cũng tỏ ra ái ngại cho những người con gái bị nạn đói cướp đi gần hết những thứ thuộc về mình (gia đình, nhan sắc, tính cách, tên tuổi…).

Không những vậy, nhà văn Kim Lân còn vô cùng tinh tế khi đã phát hiện ra khát vọng hạnh phúc và niềm vui to lớn sau khi nhặt được vợ của Tràng; cái duyên thầm của thị thông qua cái liếc mắt đưa với Tràng…Có thể nói rằng, nhà văn đã rất trân trọng và tự hào về những vẻ đẹp trong nhân cách của những con người lao động tuy nghèo khổ nhưng rất tốt đẹp trước một thảm họa đầy đau thương và chết chóc.

Đồng thời nhà văn Kim Lân còn tập trung vào ca ngợi nên những phẩm chất tốt đẹp của những người nhân dân lao động thông qua hình ảnh của bà cụ Tứ: một người mẹ già rất giàu tình thương con, giàu lòng nhân hậu và tràn đầy niềm tin vào cuộc sống mới tươi đẹp và đây cũng chính xác là niềm tin của nhà văn vào những phẩm chất tốt đẹp của những con người ấy.

Thật sự chẳng hề nói ngoa khi nhận xét Kim Lân là vị thần trong việc khắc họa tâm lí nhân vật và anh Tràng chính là sự hội tụ tất cả những tinh hoa, tuyệt tác mà nhà văn muốn thông qua hình tượng chàng trai ngờ nghệch để gửi bức thông điệp tới các thế hệ sau và thể hiện niềm thương xót, tình yêu thương của ông với những người nông dân trong hoàn cảnh éo le của những năm 45 thế kỷ trước. Thêm nữa, việc tạo ra tình huống nhặt vợ đầy tréo ngoe đã xóa tan mọi giới hạn của cả nền văn học thời trước cũng như mở màn cho các nhà văn sau này gửi gắm những ước mơ, khát vọng mong muốn hướng tới một tương lai tốt đẹp.

Thông qua được tình huống truyện độc đáo, nhà văn đã lên án và tố cáo được những tội ác tày trời của bè lũ Nhật – Pháp đã đẩy những người nhân dân ta vào một thảm họa đói nghèo và đầy chết chóc. Chính chúng đã làm cho giá trị của con người dần trở thành rẻ rúng giống như rơm như rác: vợ mà lại đi nhặt được.

Đúng là một tình huống truyện đầy mới lạ mà nhà văn Kim Lân cũng đã thể hiện được biệt tài và thể hiện được khả năng thể hiện nghệ thuật độc đáo của mình, thông qua việc xây dựng một tình huống vô cùng éo le, thử thách và nhà văn đã để cho nhân vật của mình tự bộc lộ ra được những tính cách, phẩm chất đáng quý của con người, mang đến cho những người đọc và cảm nhận một cách sâu sắc hơn về những người nông dân lao động nghèo khổ sinh sống trong thời gian xảy ra nạn đói năm xưa. Từ câu chuyện nhặt vợ tuy rất "lạ đời" nhưng mà cũng đầy xót xa của anh nhân vật Tràng, Kim Lân cũng đã thể hiện ra được thái độ trân trọng đối với những phẩm chất đầy tốt đẹp cùng với sức sống mạnh mẽ ở bên trong con người họ. Bởi vậy khi mà chúng ta đọc Vợ nhặt thì ta không chỉ xót xa cho một thực trạng đen tối đó là sự đói nghèo, mất mát của những người nông dân lao động nghèo khó trong nạn đói mà ta còn cảm động ở trước những thứ tình cảm tốt đẹp mà những con người ấy dành cho nhau khi cùng nhau trải qua khoảnh khắc khốn cùng ấy.

2. Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một tác phẩm truyện - Sách cánh diều 

2.1 Lập dàn ý đề bài Vẻ đẹp của nhân vật Đan-kô trong văn bản Trái tim Đan-kô

Lời giải chi tiết:

* Nhân vật Đan-kô

- Nhân vật này xuất hiện khi đoàn người đang trong một tình thế bị dồn ép và buộc phải ở trong một khu rừng rậm rạp, đầy vũng bùn lầy, là một nơi không có sức sống. 

- Hành động và tâm trạng của những con người trong đoàn người khi phải di chuyển ở trong khu rừng rậm đó là nỗi lo lắng, sự sợ hãi, tuy rằng sợ hãi đến vậy nhưng không ai dám nói ra ngoài mà thay vào đó họ lại mắng nhiếc Đan-kô và họ đã đổ cho chàng trai này là do anh ta không biết chỉ dẫn đường. 

- Hành động của Đan-kô đi qua các chặng đường hiểm trở đó thể hiện anh là một chàng rất dũng cảm, quyết đoán để tiến về phía trước. Đồng thời anh chàng cũng rất yêu quý tất cả mọi người xung quanh cho nên dù anh ta có bị mắng oan ức mấy thì chàng ta cũng không đánh trả lại họ mà chỉ cảm thấy buồn bã. 

- Hành động gây ấn tượng mạnh nhất của Đan-kô đó là anh đã móc trái tim dũng cảm của mình ra để có thể soi đường dẫn lối cho tất cả mọi người tìm đến khi tìm được nơi có thể sống sót. Bởi vì thông qua hành động này đã cho thấy được sự dũng cảm, anh dũng không tiếc mình đã hi sinh bản thân mình cho dù mọi người xung quanh không một ai tin tưởng vào anh nhưng anh vẫn rất yêu thương tất cả mọi người. 

- Thể hiện nên vẻ đẹp Đan-kô thông qua những nét nghệ thuật về tưởng tượng, phóng đại về những khu rừng thiếu ánh sáng, tối tăm, không có sự sống và hành động móc tim, thiếu đi trái tim quan trọng nhất nhưng vẫn có thể dẫn đường chỉ lối cho mọi người. 

- Tác giả cũng muốn nhắn gửi thông điệp cho mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng. Từ đó, đưa ra được cho chúng ta những bài học rằng ta cần phải luôn yêu thương, đùm bọc, đoàn kết và cùng nhau, sát bên nhau mới có thể phát triển tốt lên được. 

2.2 Viết bài văn nghị luận về một tác phẩm truyện : Vẻ đẹp của nhân vật Đan-kô trong văn bản Trái tim Đan-kô

Lời giải chi tiết:

Mác-xim Go-rơ-ki là một nhà văn nổi tiếng đến từ đất nước Nga. Từ nhỏ ông đã là một người có niềm đam mê cháy bỏng với việc đọc sách và cùng với những gian khó phải trải qua ở tuổi thơ đã thắp sáng và nảy sinh nên khát vọng sáng tác của ông. Truyện Trái tim Đan-kô là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất trong cuộc đời sáng tác của ông, được trích trong phần cuối của “Tuyển tập truyện ngắn Mác-xim Go-rơ-ki”. Tác phẩm đã kể về sự hy sinh đầy cao cả, tấm lòng chứa đầy sự vị tha, yêu thương của một người anh hùng có tên là Đan-kô.

Mở đầu truyện ngắn hiện lên là một bức tranh thiên nhiên to lớn ở một vùng thảo nguyên đầy u ám, với cảnh vật xung quanh thật đáng sợ. Rồi lại có sự xuất hiện lên của ánh lửa xanh đầy kỳ dị, gợi đến những câu chuyện tưởng chừng rất hoang đường. Chính ánh lửa kỳ bí này là xuất phát từ một câu chuyện của một chàng trai anh dũng với trái tim đầy vĩ đại và tràn đầy tình yêu thương. Một đoàn người đi trên thảo nguyên và đang bị bủa vây trong bóng tối đáng sợ của khu rừng thiên nhiên, cành lá thì dày đặc và ánh sáng mặt trời thì không thể xuyên qua và chiếu đến nơi. Họ cũng không có con đường nào có thể thoát ra khỏi cảnh rừng đen kịt ấy, ngày một với những sự tuyệt vọng và buông xuôi tất cả của đoàn người. Cánh rừng thì tối mù mịt dường như bao đêm tối ở trên thế gian này đều tụ lại ở đây, khiến cho cây cối cứ mờ mờ ảo ảo và hiện hình lên bao nhiêu quỷ dữ. Trước cảnh tượng ấy không ai mà lại không thương xót cho một số phận bi thương của đoàn người. Bởi lẽ họ cũng là những người vô tội. Họ cũng đang sống một cuộc sống đầy bình yên vui vẻ, không đi làm hại ai thì lại bị một bộ lạc lạ mặt khác đánh đuổi. Không chỉ riêng việc phải chiến đấu với con người, mà họ cũng phải đứng lên và chiến đấu với cả thiên nhiên hùng vĩ. Chúng đã quật cho họ cảm thấy kiệt sức và tước đi ý chí sống sót mãnh liệt của họ trước đó.

Nhưng có một vị anh hùng, một chàng trai trẻ đã xuất hiện đúng lúc để cứu lấy cuộc sống đang dần đi vào ngõ cụt của họ. Đan-kô đã tìm ra cách để có thể dẫn dắt được mọi người đứng lên và vượt qua được khu rừng to lớn, đáng sợ và tràn ngập bóng tối mịt mờ này. Nhưng khi đứng trước một thiên nhiên khắc nghiệt là khu rừng rậm rạp, con người mỗi lúc lại nhỏ bé đi và dần kiệt sức lúc này thì con người ta lại lộ ra một bộ mặt yếu đuối và nhút nhát của mình. Trước đó thì họ đã xin anh chỉ dẫn đường cho họ đi, bây giờ thì họ lại bắt đầu đổ lỗi và cho cho Đan-kô chỉ đường không đúng. Họ mắng mỏ anh, họ bảo anh phải đi chết đi. Họ giống như một bầy thú đói khát và đã đi đến bước đường cùng. Người đọc cũng cảm thấy vừa tức giận nhưng lại vừa thương hại cho những con người ở đoàn người ấy. Có lẽ vì quá bất lực trong hoàn cảnh ấy mà họ chẳng còn nghĩ được đến ai khác ngoài mình hải sống sót ra. Cảm thấy rất thương cho Đan-kô. Anh ấy cũng chỉ muốn rằng không thể để cho bộ lạc của mình phải trở thành những kẻ nô lệ khốn khổ cho kẻ thù. Vậy mà bây giờ chính những người trong bộ lạc lại kết tội cho anh, muốn anh phải chết đi.

Trái tim của Đan-kô bỗng dưng bùng lên niềm phẫn nộ và sục sôi, nó cháy rực lên vô cùng mạnh mẽ. Mặc dù Đan-kô đã rất phẫn nộ trước những hành động ấy nhưng anh ta lại nhận ra được rằng “Anh yêu họ và nghĩ rằng không có anh, có lẽ họ chết mất”. Một chàng trai trẻ có tấm lòng thương người, trái tim vị tha và yêu thương với những người mặc cho anh có bị đối xử tệ bạc đến đâu nhưng vẫn quyết định đi cứu tất cả mọi người. Ý nghĩ muốn cứu lấy mọi người quá mãnh liệt nhưng anh lại không nhận được sự tin tưởng của bộ lạc mình đến mức anh phải gào to lên như tiếng sấm.

Sau đó anh ta đã có một hành động bất ngờ đó chính là anh đã xé toang lồng ngực của mình và giơ cao lên trái tim của anh đang bùng cháy sáng, ánh sáng ấy rực rỡ đã đẩy lùi tất cả bóng đêm đen, đã soi đường chỉ lối cho bộ lạc tiến lên, thoát khỏi nguy hiểm. Đan-kô quả là một vị anh hùng, chàng trai đã hy sinh bản thân mình và cứu sống được tất cả những người dân trong bộ lạc. Chàng trai vẫn tiếp tục đi trước, giơ cao trái tim cháy sáng và dẫn đường cho bộ lạc, rừng cây dẫn ra ở trước những bước chân của Đan-kô. Nó giống như một điều gì đó vô cùng cao quý, chói lọi, sáng ngời. Và trong lòng của những người đọc lúc này cảm thấy vô cùng cảm phục và trân trọng con người này.

Rồi đoàn người cũng tìm ra được miền đất mới. Đó là một thảo nguyên tươi đẹp, giàu có. Tất cả người trong bộ lạc đều cảm thấy rất vui mừng quên cả đi Đan-kô- là vị cứu tinh của mình. Đan-kô đã kiêu hãnh và ngắm nhìn vùng thảo nguyên, anh mỉm cười sung sướng rồi anh đã gục xuống, tắt hơi thở cuối cùng trong niềm tự hào. Anh đã chết nhưng trái tim kiêu hãnh của anh thì vẫn cứ như đang bùng cháy mãi. Nhưng rồi sau có một ai đó nhớ đến sự hy sinh cao cả của anh ấy không? Họ đã rất vui sướng tràn đầy niềm hy vọng vì đã được cứu sống nhưng rồi họ lại lập tức quên luôn đi người đã hy sinh cả mạng sống để cứu lấy mình. Đan-kô bấy giờ là hiện thân cho hình ảnh về một con người lăn xả, xả thân mình để cứu người mà không mong cầu hay đòi hỏi được đền đáp công lao. Go-rơ-ki cũng đã dùng những từ ngữ rất chân thành và tốt đẹp nhất để có thể ca ngợi, để trân trọng trước cái chết đầy anh dũng của Đan-kô. Đó còn là chính bức tranh gợi cho toàn bộ người đọc như chúng ta những suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống. Phải chăng khi con người ta đứng trước những khó khăn, nghịch cảnh của cuộc sống đem lại thì họ sẽ bắt đầu quên mất đi mình là ai, sống một cách ích kỷ, tham lam, chỉ biết đến mình và không quan tâm đến mạng sống của ai khác. Nhưng chắc hẳn trên đời vẫn sẽ có nhiều những con người có tinh thần giống như Đan-kô xuất hiện. Đứng trước nhưng vực tối cuộc sống, vẫn giữ trong mình được một trái tim đầy yêu thương, một lòng tốt rất chân thành mà không mong nhận lại sự đền đáp.

Một bức tranh thiên nhiên, một sự đấu tranh cho sự sống của những con người đã được hiện lên vô cùng đặc sắc ở trong tác phẩm Trái tim của Đan-kô của tác giả Go-rơ-ki. Câu chuyện đã khiến cho những người đọc phải ngẫm lại và suy nghĩ về những giá trị của cuộc sống và mối quan hệ giữa con người với nhau trong hiện thực nhiều phần đen tối của cuộc sống.

2.3 Đọc đoạn văn và cho biết người viết đã phân tích yếu tố hình thức nào của truyện Kép Tư Bền (Nguyễn Công Hoan).

Lời giải chi tiết:

Người viết đã phân tích được chi tiết truyện ngắn. Qua đó đã làm nổi bật được lên mâu thuẫn ở trong cảnh ngộ đầy bi đát mà nhân vật Tư Bền đã gặp phải. Dù ở trong lòng anh đang rất lo lắng cho bệnh tình của người cha mình nhưng mà ngoài mặt anh lại luôn phải tỏ ra tươi cười và đi mua vui cho người khác. Tiếng cười chứa đầy niềm sung sướng, vui vẻ của những khán giả phía dưới là hình ảnh đối nghịch lại càng làm nổi bật nên nỗi đau đớn, lo lắng sâu thẳm trong lòng Tư Bền. Qua việc phân tích các yếu tố hình thức và chi tiết truyện, người viết cũng đã đưa ra được các ý kiến, nhận xét, bình luận về những nhân vật và sự việc ấy; giúp cho người đọc có những manh mối mới khá quan trọng để có thể hiểu được phẩm chất, tính cách, số phận của nhân vật Tư Bền, chủ đề và ý nghĩa chính của tác phẩm truyện ngắn.

Người viết đã phân tích được những yếu tố hình thức đó chính là tình huống truyện, hành động và những mâu thuẫn của nhân vật. 

→ Từ đó đã rút ra được vấn đề về tình yêu và nghệ thuật đã biến trở thành hàng hóa.

 

PAS VUIHOCGIẢI PHÁP ÔN LUYỆN CÁ NHÂN HÓA

Khóa học online ĐẦU TIÊN VÀ DUY NHẤT:  

⭐ Xây dựng lộ trình học từ mất gốc đến 27+  

⭐ Chọn thầy cô, lớp, môn học theo sở thích  

⭐ Tương tác trực tiếp hai chiều cùng thầy cô  

⭐ Học đi học lại đến khi nào hiểu bài thì thôi

⭐ Rèn tips tricks giúp tăng tốc thời gian làm đề

⭐ Tặng full bộ tài liệu độc quyền trong quá trình học tập

Đăng ký học thử miễn phí ngay!!

 

Trên đây, VUIHOC đã cung cấp cho các bạn cách soạn bài viết văn bản nghị luận về một tác phẩm truyện trong chương trình Ngữ Văn 11 thông qua phân tích sơ lược một số tác phẩm truyện ngắn trong sách kết nối tri thức và sách cánh diều. Ngoài ra, để học nhiều hơn các kiến thức các môn học của THPT thì các em hãy truy cập vuihoc.vn hoặc đăng ký khoá học với các thầy cô VUIHOC ngay bây giờ nhé!

Banner after post bài viết tag lớp 11
| đánh giá
Hotline: 0987810990