img
Thông báo
Sắp bắt đầu năm học mới, lớp hiện tại của bạn đang là lớp {{gradeId}}, bạn có muốn thay đổi lớp không?
img

Soạn bài tiếng hát con tàu - Ngữ văn 12

Tác giả Minh Châu 15:16 30/11/2023 5,075 Tag Lớp 12

Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên là một tác phẩm văn học sử dụng rất nhiều nghệ thuật với nội dung sâu sắc. Bởi vậy, để nắm được những ý chính, VUIHOC đã viết bài này với mục đích hướng dẫn soạn bài Tiếng hát con tàu. Các em cùng theo dõi và đúc kết lại các ý chính cho mình nhé!

Soạn bài tiếng hát con tàu - Ngữ văn 12
Mục lục bài viết
{{ section?.element?.title }}
{{ item?.title }}
Mục lục bài viết x
{{section?.element?.title}}
{{item?.title}}

1. Soạn bài tiếng hát con tàu: Đôi nét về tác giả Chế Lan Viên

– Chế Lan Viên sinh vào năm 1920 và mất năm 1989, ông có tên khai sinh là Phan Ngọc Hoan.

– Quê quán: Chế Lan Viên có quê quán tại xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Sau đó, vào năm 1927, gia đình ông chuyển nơi sinh sống tại An Nhơn, Bình Định.

– Sau khi tốt nghiệp cấp Trung học, ông đã đi dạy học tại một trường tư. Ngoài ra, ông còn tham gia làm báo tại Sài Gòn và các tỉnh miền Trung.

– Ông là người đã tham gia vào phong trào cách mạng tháng Tám tại Quy Nhơn.

– Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, ông hoạt động văn nghệ và báo chí ở Liên khu IV và chiến trường Bình – Trị – Thiên.

– Sau năm 1954, ông trở về Hà Nội và tiếp tục hoạt động trong lính vực văn học và nhiều năm tham gia vào việc lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam.

– Sau năm 1975, ông chuyển nơi sinh sống vào Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, ông vẫn tiếp tục hoạt động trên con đường văn học.

Chế Lan Viên đã từng tạo ra rất nhiều tác phẩm, trong đó có những tác phẩm văn học chính được liệt kê dưới đây:

– Về thơ ca, ông có các tác phẩm tiêu biểu như:

+ Điêu tàn (sáng tác năm 1937), 

+ Gửi các anh (sáng tác năm 1954), 

+ Ánh sáng và phù sa (sáng tác năm 1960), 

+ Hoa ngày thường – Chim báo bão (sáng tác năm 1967),  

+ Những bài thơ đánh giặc (sáng tác năm 1972), 

+ Đối thoại mới (sáng tác năm 1973),…

– Về Tiểu luận – phê bình, ông có các tác phẩm tiêu biểu như: 

+ Kinh nghiệm tổ chức sáng tác (viết vào năm 1952), 

+ Nói chuyện thơ văn (viết vào năm 1960), 

+ Vào nghề (viết vào năm 1962), 

+ Phê bình văn học (viết vào năm 1962), 

+ Suy nghĩ và bình luận (viết vào năm 1971),…

Về phong cách sáng tác nghệ thuật của Chế Lan Viên:

– Con đường văn thơ của Chế Lan Viên được nhận xét thông qua thơ ca của ông rằng “trải qua nhiều biến động, nhiều bước ngoặt với những trăn trở, tìm tòi không ngừng của nhà thơ“, thậm chí tồn tại một khoảng thời gian rất dài chỉ có im lặng (giai đoạn 1945 – 1958).

– Vào thời điểm trước Cách mạng tháng Tám, thơ của Chế Lan Viên là một thế giới đúng nghĩa “trường thơ loạn” nổi bật bởi sự “thần bí, kinh dị và bế tắc của thời”. 

– Vào thời điểm sau Cách mạng tháng Tám, thơ của ông xuất hiện sự thay đổi rõ nét, các tác phẩm của ông luôn hướng đến đời sống của nhân dân và tình hình đất nước, thấm nhuần tư tưởng của cách mạng.

– Vào thời điểm từ năm 1960 đến năm 1975, thơ của Chế Lan Viên chuyển đổi sang khuynh hướng sử thi hào hùng, đầy chất chính luận và đậm tính thời sự.

– Sau thời điểm năm 1975, thơ của Chế Lan Viên lại dần trở lại với đời sống thế sự và những trăn trở, lo lắng của cái “tôi” trong sự phức tạp, đa diện và vĩnh cửu của đời sống thường ngày.

⇒ Phong cách thơ ca của Chế Lan Viên rất rõ ràng và độc đáo. Những sáng tác của ông mang một sức mạnh trí tuệ được biểu hiện theo khuynh hướng suy tưởng – triết lý. Chất suy tưởng triết lý đó mang lại vẻ đẹp trí tuệ cùng sự phong phú, đa dạng trong hình ảnh thơ được sáng tạo dưới một ngòi bút vô cùng thông minh và tài hoa tột bậc. Và nổi bật hơn cả chính là năng lực sáng tạo hình ảnh phong phú, đặc sắc và mang lại ý nghĩa biểu tượng.

Đăng ký ngay để được các thầy ôn tập kiến thức và xây dựng lộ trình ôn thi tốt nghiệp THPT sớm ngay từ bây giờ

 

2. Soạn bài tiếng hát con tàu: Khái quát về tác phẩm

a. Xuất xứ tác phẩm

– Tác phẩm Tiếng hát con tàu được in trong tập “Ánh sáng và phù sa”, bài thơ được viết vào một dịp sự kiện ý nghĩa đó là cuộc vận động đồng bào miền xuôi lên gây dựng, phát triển kinh tế ở khu vực miền núi Tây Bắc trong giai đoạn những năm 1958-1960.

b. Bố cục của tác phẩm tiếng hát con tàu

Bài thơ được phân thành 3 đoạn rất rõ ràng:

– Đoạn 1 (bao gồm khổ thơ thứ nhất và thứ hai): Diễn tả sự trăn trở và lời mời gọi, động viên nhân dân miền xuôi lên đường.

– Đoạn 2 (bao gồm khổ thơ thứ ba đến khổ mười một): Thể hiện sự khát vọng được về với nhân dân, gợi về những kỷ niệm của những năm tháng kháng chiến.

– Đoạn 3 (bao gồm khổ còn lại): Khúc hát lên đường được thể hiện một cách sôi nổi và đầy say mê.

c. Ý nghĩa nhan đề

– “Con tàu”: Hình ảnh con tàu mang tính biểu tượng vì vào thời điểm sáng tác bài thơ này thì chưa có tuyến đường sắt để lên Tây Bắc. Hình ảnh con tàu là biểu tượng cho khát vọng muốn lên đường, khát vọng được về với nhân dân và hòa mình vào đời sống to lớn của đất nước.

– “Tây Bắc”: Nghĩa đen của nó để chỉ một mảnh đất miền tây Bắc Bộ của đất nước ta. Ngoài ra, nghĩa bóng còn mang ý nghĩa biểu tượng đó là cuộc sống rộng lớn và những miền đất xa xôi vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn của đất nước.

⇒ Ý nghĩa nhan đề của tác phẩm “Tiếng hát con tàu”: Tiếng hát con tàu chính là tiếng hát say mê, lạc quan, yêu đời, thể hiện sự sôi nổi, phấn chấn của một tâm hồn ngập tràn niềm tin, khát vọng, sự mong mỏi xây dựng nên đất nước và tìm về với cội nguồn cảm hứng sáng tạo văn thơ của thi sĩ.

 

3. Hướng dẫn soạn bài Tiếng hát con tàu: Phần luyện tập

Câu 1 (trang 146 SGK Ngữ văn 12 tập 1)

Hình ảnh con tàu và Tây Bắc vừa có ý nghĩa cụ thể vừa có ý nghĩa biểu tượng. Hãy đọc thật kĩ bài thơ để nắm được ý nghĩa biểu tượng đó. Căn cứ vào nội dung của bài thơ, hãy giải thích ý nghĩa nhan đề và bốn câu thơ đề từ.

Trả lời:

*Ý nghĩa nhan đề của tác phẩm “Tiếng hát con tàu”:

– Con tàu mang đến một ý nghĩa biểu tượng của niềm khát vọng lên đường, khát vọng được đi xa, hướng tới đời sống của đất nước, của nhân dân đi đến một chân trời của những ước mơ to lớn, đi tới cội nguồn – nơi nuôi dưỡng nguồn cảm hứng của những sáng tạo về nghệ thuật.

– Tiếng hát thể hiện niềm say sưa, sự lạc quan yêu đời của một tâm hồn khi tìm được hướng đi và đang trên đường tới với đất nước, nhân dân.

– Nhan đề bài thơ có thể hiểu một cách đơn giản là tiếng hát say mê, sôi nổi của tâm hồn nhà thơ – một tâm hồn tràn đầy niềm tin, niềm khát khao vào lý tưởng, vào cuộc sống. Nhà thơ đã hóa thân vào con tàu, hăng hái lập một cuộc hành trình đến với Tây Bắc, đến với đời sống của nhân dân và tới với cội nguồn của những cảm hứng sáng tạo về nghệ thuật của mình.

*Phân tích 4 câu thơ đề từ:

– Khẳng định được sự gắn bó của nhà thơ đối với Tây Bắc, miền đất đó đã trải qua mưa bom bão đạn trong các cuộc chiến tranh, với những khát vọng gây dựng nên cuộc sống mới, nơi đây cũng là nơi giúp ươm mầm cho nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật sinh sôi, nảy nở.

– Thể hiện được khát vọng lên đường, khát vọng hoà mình với cuộc sống rộng lớn của dân tộc, của đất nước, hướng tới nguồn mạch của đất nước và của nhân dân.

Câu 2 (trang 146 SGK Ngữ văn 12 tập 1)

Bài thơ có thể phân thành mấy đoạn? Nêu rõ ý chính của mỗi đoạn. Bố cục như vậy thể hiện sự chuyển đổi tâm trạng của chủ thể trữ tình như thế nào?

Trả lời:

Bố cục của bài thơ có thể phân thành 3 phần:

– Phần 1 (bao gồm 2 khổ thơ đầu tiên): thể hiện sự trăn trở và lời mời gọi lên đường.

– Phần 2 (bao gồm 9 khổ thơ giữa): Thể hiện được niềm khát vọng với người dân, ghi dấu ấn rất nhiều kỉ niệm nghĩa tình của quân dân ta trong các cuộc kháng chiến.

– Phần 3 (bao gồm phần còn lại): Nói về khúc hát say mê tượng trưng cho niềm tin, hi vọng

⇒ Bố cục được phân thành 3 phần như vậy thể hiện rõ sự chuyển đổi trong tâm trạng của chủ thể trữ tình, phần đầu thể hiện tâm trạng vẫn còn một chút lưỡng lự, trăn trở, phần tiếp theo lại là một dòng hoài niệm với những cảm xúc vô cùng thiết tha, biết ơn. Đoạn cuối chính là niềm vui hân hoan được thể hiện một cách sôi nổi, rạo rực.

PAS VUIHOCGIẢI PHÁP ÔN LUYỆN CÁ NHÂN HÓA

Khóa học online ĐẦU TIÊN VÀ DUY NHẤT:  

⭐ Xây dựng lộ trình học từ mất gốc đến 27+  

⭐ Chọn thầy cô, lớp, môn học theo sở thích  

⭐ Tương tác trực tiếp hai chiều cùng thầy cô  

⭐ Học đi học lại đến khi nào hiểu bài thì thôi

⭐ Rèn tips tricks giúp tăng tốc thời gian làm đề

⭐ Tặng full bộ tài liệu độc quyền trong quá trình học tập

Đăng ký học thử miễn phí ngay!!

Câu 3 (trang 146 SGK Ngữ văn 12 tập 1)

Nhà thơ đã viết khổ thơ nào để thể hiện niềm hạnh phúc lớn lao khi gặp lại nhân dân? Phân tích nét nghệ thuật độc đáo của khổ thơ đó.

– Nhà thơ viết khổ thơ dưới đây để thể hiện niềm hạnh phúc lớn lao khi gặp lại nhân dân:
“Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ

Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa

Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa

Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa ”

⇒ Nét đặc sắc trong nghệ thuật của đoạn thơ này chính là chùm so sánh, một sự liên tưởng vô cùng phong phú và đặc sắc của tác giả. Qua đó làm nổi bật lên niềm hạnh phúc lớn lao cùng niềm vui sướng vô bờ bến của tác giả khi từ bỏ được thế giới nhỏ bé của mình để đến với nhân dân. Đối với người con của đất nước, nhân dân chính là đối tượng luôn chan chứa đầy tình yêu thương, cưu mang và che chở, đó là nguồn sống, là một bầu sinh khí luôn luôn tiếp sức cho ông.

Câu 4 (trang 146 SGK Ngữ văn 12 tập 1)

Hình ảnh nhân dân trong kỷ niệm của nhà thơ được khơi gợi thông qua hình ảnh của những con người cụ thể nào? Phân tích những khổ thơ khơi gợi những kỉ niệm đó để làm sáng tỏ sự gắn bó và lòng biết ơn sâu sắc của nhà thơ đối với nhân dân.

Trả lời:

Hình ảnh của nhân dân trong những hoài niệm của tác giả được khơi gợi trong hình ảnh: thằng em liên lạc, anh du kích, người “mế”, cô gái Tây Bắc,…
Nhân dân miền núi Tây Bắc hiện lên trong hoài niệm của tác giả thông qua hình ảnh của những con người luôn một lòng một dạ quyết tâm chiến đấu, sẵn sàng hi sinh để giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến.

– Người anh du kích: đối tượng gắn liền với hình ảnh chiếc áo nâu bị rách, cởi lại cho con → tạo một ấn tượng hết sức mạnh mẽ, xúc động khi nói đến sự hi sinh cao cả.

– “Thằng em liên lạc” (xưng hô một cách thân quen, như thể anh em ruột thịt) đã xông xáo, len lỏi giữa rừng thưa, rừng rậm, di chuyển từ bản Na qua bản Bắc để có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giao thư trong suốt 19 năm cuộc đời ròng rã.

– Hình ảnh người “mế” nuôi quân: thức suốt mùa dài để nuôi dưỡng và chăm sóc bộ đội như con cái của mình – thể hiện được tấm lòng cao cả của người dân vùng núi Tây Bắc đối với sự nghiệp Cách mạng.

⇒ Qua đó thể hiện được tình yêu thương nồng thắm và sâu đậm với mảnh đất mình đã từng đi qua.

Câu 5 (trang 146 SGK Ngữ văn 12 tập 1)

Hãy tìm ra những câu thơ bộc lộ rõ nét nhất chất suy tưởng và triết lí trong thơ của Chế Lan Viên.

Trả lời

– Những câu thơ bộc lộ rõ nét nhất chất suy tưởng và triết lý trong thơ của Chế Lan Viên: 

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn
Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”

⇒ Nhà thơ đã khám phá ra được một quy luật muôn thuở trong trái tim của mỗi con người đó là: khi ta vừa đặt chân đến một nơi xa xôi nào đó, mọi thứ còn rất mới mẻ, lạ lẫm nên “chỉ là nơi đất ở”. Nhưng khi ta đã gắn bó lâu dài rồi lại từ biệt nơi đó ra đi, thì nơi đó là nơi đã lưu giữ một phần đời với biết bao nhiêu những kỉ niệm cũng như ân tình nên đã “hoá tâm hồn”.

“ Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét

Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng

Như xuân đến chim rừng lông trở biếc

Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”

⇒ Các sự vật và hiện tượng có một mối quan hệ vô cùng chặt chẽ với nhau, được ví như tình nghĩa gắn bó khăng khít, keo sơn giữa người nghệ sĩ với nhân dân. Tình yêu ở đây thể hiện một thứ tình cảm to lớn, tình cảm giữa anh và em và cũng là tình yêu của quê hương, đất nước.

Nhận trọn bộ bí kíp ôn thi đạt 9+ thi tốt nghiệp THPT ngay!!!

Qua bài viết này, VUIHOC hy vọng các em có thể nắm được những thông tin về Soạn bài tiếng hát con tàu. Tác phẩm này vô cùng ý nghĩa, thể hiện được khát khao ra đi để tìm nguồn cảm hứng nghệ thuật. Vì vậy, các em cần nắm chắc được những ý chính trong tác phẩm một cách tốt nhất thông qua việc soạn bài. Để xem thêm các bài tham khảo khác thuộc Soạn văn 12 hay về kiến thức của các môn học khác, nhanh tay truy cập website vuihoc.vn hoặc đăng ký các khoá học với thầy cô VUIHOC ngay nhé!

>>> Bài viết tham khảo liên quan:

Soạn bài đất nước

Soạn bài Thực hành một số phép tu từ ngữ âm

Soạn bài viết bài văn nghị luận số 3: Nghị luận văn học

Banner afterpost tag lớp 12
| đánh giá
Hotline: 0987810990