img
Thông báo
Sắp bắt đầu năm học mới, lớp hiện tại của bạn đang là lớp {{gradeId}}, bạn có muốn thay đổi lớp không?
img

Tổng hợp mở bài Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm (Ngữ văn 12)

Tác giả Minh Châu 14:32 30/11/2023 183,815 Tag Lớp 12

Mở bài là một phần cực quan trọng trong cấu trúc bài phân tích tác phẩm. Một cái mở bài hay giúp tạo ấn tượng và thiện cảm rất nhiều cho người đọc. Bài viết dưới đây, VUIHOC xin gửi đến các em học sinh các mẫu mở bài bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm và mở bài cho 9 câu đầu bài thơ, nhằm giúp các em có thêm nhiều tư liệu tham khảo và cảm hứng cho bài viết của mình.

Tổng hợp mở bài Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm (Ngữ văn 12)
Mục lục bài viết
{{ section?.element?.title }}
{{ item?.title }}
Mục lục bài viết x
{{section?.element?.title}}
{{item?.title}}

1. Mở bài Đất nước ngắn gọn 

1.1 Mở bài Đất nước ngắn gọn mẫu 1 

Nguyễn Khoa Điềm là một trong những nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Cùng với thế hệ những nhà thơ trẻ tài năng trong phong trào thơ trẻ chống Mỹ cứu nước, Nguyễn Khoa Điềm đã có đóng góp rất lớn cho nền văn học cách mạng thông qua tác phẩm thơ văn hay viết về đề tài đất nước, người lính, chiến tranh. Một trong những tác phẩm tiêu biểu và đặc sắc nhất trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Khoa Điềm có thể kể đến đó là bài thơ Đất nước.

1.2 Mở bài Đất nước ngắn gọn mẫu 2 

"Đất nước” là một đoạn trích đặc sắc thuộc trường ca “Mặt đường khát vọng” của tác giả Nguyễn Khoa Điềm. Bài thơ được ra đời vào năm 1971 tại chiến trường Trị - Thiên với mục đích đánh thức ý chí chiến đấu và tinh thần cách mạng của thế hệ trẻ cả nước, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ đô thị, vùng bị tạm chiếm cho cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy gian khổ, trường kì của dân tộc. Đồng thời, bài thơ cũng đã thể hiện được những cảm nhận mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm về hình tượng đất nước.

1.3 Mở bài Đất nước ngắn gọn mẫu 3

Nguyễn Khoa Điềm là một trong những nhà thơ tiêu biểu thuộc thế hệ nhà thơ trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong số các tác phẩm mà ông đã đóng góp cho nền văn học nước nhà, phải kể đến bài thơ “Đất Nước” trích trong phần đầu chương V của trường ca “Mặt đường khát vọng”. Bài thơ đã khắc họa thành công sự hiện hữu của Đất Nước về cả chiều sâu không gian cũng như chiều rộng của thời gian. 

1.4 Mở bài Đất nước ngắn gọn mẫu 4  

Đất nước, từ rất lâu đã là điểm hẹn tâm hồn của không biết bao văn nghệ sĩ. Được khơi nguồn cảm hứng từ đề tài quen thuộc ấy, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm chọn cho mình một cái nhìn rất riêng. Đoạn trích “Đất Nước” trong phần đầu chương V của trường ca “Mặt đường khát vọng” là sự kết tinh của những sáng tạo độc đáo và đầy mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm. 

2. Mở bài Đất nước trực tiếp 

2.1 Mở bài Đất nước trực tiếp mẫu 1 

Giữa muôn vàn các tác phẩm thơ ca về chủ đề Đất nước, ta vẫn dễ dàng nhận thấy cái chất rất riêng của Nguyễn Khoa Điềm thể hiện trong thi phẩm “Đất nước” được trích từ bản trường ca “Mặt đường khát vọng”. Câu thơ mang đậm chất trữ tình xen lẫn tính chính luận của ông đã đưa ra một cái nhìn không những mới mẻ mà còn rất đỗi gần gũi bình dị, qua đó thức tỉnh thế hệ trẻ về sứ mệnh, trách nhiệm của mình với đất nước. Hình hài đất nước từ thuở ban sơ đến khi phải trải qua biết bao nhiêu sóng gió chiến tranh được tái hiện lại một cách sinh động bằng một hồn thơ tinh tế và đầy phóng khoáng của Nguyễn Khoa Điềm. Tác giả nhìn nhận đất nước qua nhiều khía cạnh, thăng trầm của lịch sử. Đất Nước – hai từ đơn giản nhưng lại vô cùng thiêng liêng, chất chứa bao nhiêu ngọn nguồn của cảm xúc của chính tác giả.

2.2 Mở bài Đất nước trực tiếp mẫu 2

Nguyễn Khoa Điềm là một trong những nhà thơ - chiến sĩ tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Với tình yêu nước nồng nàn, tình yêu với những điều nhỏ bé, bình dị của quê hương, Nguyễn Khoa Điềm đã mang đến cái nhìn vô cùng mới mẻ, độc đáo về đất nước trong bài thơ Đất nước. Ông định nghĩa đất nước bằng những hình ảnh bình dị, gần gũi, nhất trong đời sống con người để từ những thứ thân thuộc, nhỏ bé vô hình ấy nhà thơ đã thành công khái quát lên một đất nước hữu hình, xinh đẹp mà không kém phần thiêng liêng. Đất nước ấy được thấm đẫm trong chất liệu văn hóa dân gian, trong tư tưởng lớn của thời đại – “Đất nước của nhân dân”, một tư tưởng cốt lõi của bài thơ.

Sổ tay môn Ngữ Văn và các môn học khác sẽ giúp các em dễ dàng ghi nhớ kiến thức và ôn tập cho các kì thi chung và riêng. 

2.3 Mở bài Đất nước trực tiếp mẫu 3

Đất Nước trong mắt nhìn của Nguyễn Khoa Điềm mang những nét đẹp thân thương, tự nhiên mà gần gũi. Hình hài đất nước từ khi sơ khai cho đến khi phải trải qua biết bao nhiêu cuộc đấu tranh giữ nước được tái hiện đầy sinh động qua một hồn thơ tinh tế, đầy phóng khoáng của Nguyễn Khoa Điềm. Tác giả vẽ lên hình ảnh đất nước qua nhiều khía cạnh, và từng thời điểm thăng trầm của lịch sử.

2.4 Mở bài Đất nước trực tiếp mẫu 4 

Đoạn trích Đất Nước trong trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm ra đời trong hoàn cảnh nền độc lập dân tộc đang đứng trước những thách thức lớn lao. Đó là những năm tháng sôi sục trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cuộc sống của mỗi người dân Việt Nam gắn liền với vận mệnh của đất nước. Viết trường ca “Mặt đường khát vọng”, Nguyễn Khoa Điềm đã đóng góp tiếng nói nhằm thức tỉnh thế hệ trẻ trong vùng tạm chiếm miền Nam. Đoạn trích “Đất Nước” thuộc chương V và cũng là phần hay nhất của bản trường ca này, thể hiện nhận thức sâu sắc của thế hệ thanh niên Việt Nam với đất nước. Nhận thức ấy đã trở thành điểm tựa vững chãi để mỗi người tự suy nghĩ về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với đất nước.

3. Mở bài Đất nước gián tiếp 

3.1 Mở bài Đất nước gián tiếp mẫu 1

Đất nước là nguồn cảm hứng dồi dào, vô tận trong thơ ca và nghệ thuật. Mỗi nhà thơ đều có những cảm nhận rất riêng về Đất Nước. Bởi vậy, Đất Nước, hiện lên muôn màu muôn vẻ qua góc nhìn của mỗi tác giả. Nếu như một số nhà thơ cùng thời thường chọn nhìn Đất Nước qua những hình ảnh kỳ vĩ, hoành tráng hay cảm hứng về lịch sử qua các triều đại khác nhau thì Nguyễn Khoa Điềm lại chọn điểm nhìn quen thuộc, gần gũi, giản dị để vẽ lên hình ảnh Đất Nước. Đến với tác phẩm thơ “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm người đọc như đứng trước muôn màu của truyền thống, văn hóa, phong tục phong phú, tươi đẹp vô ngần của dân tộc. Khác với các nhà thơ cùng thế hệ – thường tạo một khoảng cách khá xa để chiêm ngưỡng và ngợi ca vẻ đẹp của đất nước, với các từ ngữ, hình ảnh hoa mỹ, mỹ lệ có tính chất biểu tượng. Nguyễn Khoa Điềm đã chọn miêu tả một đất nước tự nhiên, gần gũi mà không kém phần đẹp đẽ, thiêng liêng. Hình ảnh đất nước hiện lên một cách nhiều màu sắc và không kém phần sống động, lắng đọng vào tâm tưởng người đọc qua những nét đẹp về truyền thống mang đậm dấu ấn con người Việt.

3.2 Mở bài Đất nước gián tiếp mẫu 2

Tố Hữu với tác phẩm "Vui thế hôm nay", Chế Lan Viên với tác phẩm "Sao chiến thắng, Lê Anh Xuân với tác phẩm "Dáng đứng Việt Nam",... đều vẽ lên hình ảnh của Đất Nước Việt Nam ở nhiều góc độ khác nhau. Và Nguyễn Khoa Điềm cũng vậy, trong đoạn trích "Đất Nước" - nằm trong trường ca "Mặt đường khát vọng" đã thể hiện rõ nét và sâu sắc vẻ đẹp của Đất Nước và tư tưởng mang tính thời đại: "Đất Nước của nhân dân". Để hiểu rõ hơn về phong cách thơ của Nguyễn Khoa Điềm cũng như hình ảnh thiên nhiên đất nước và con người Việt Nam, ta sẽ đi sâu vào phân tích, cảm nhận đoạn trích "Đất Nước".

3.3 Mở bài Đất nước gián tiếp mẫu 3

Bằng tất cả tình cảm yêu thương sâu sắc và nguồn cảm hứng nồng nàn nhất của mình về Tổ Quốc – các nhà thơ, nhà văn vừa là thi sĩ vừa là chiến sĩ đã để lại cho non sông Việt Nam ta biết bao vần thơ đẹp về con người, về đất nước. Nếu các nhà thơ khác cùng thế hệ thường dùng những hình ảnh kì vĩ, hào hùng, mĩ lệ mang tính biểu tượng, tạo ra một khoảng cách nhất định để chiêm ngưỡng và cảm nhận về vẻ đẹp thiêng liêng của đất nước thì nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm lại ngược lại. Ông cảm nhận về đất nước qua những điều hết sức gần gũi, thân thuộc, đơn sơ, mà bình dị, và gắn liền với mỗi con người Việt Nam như hơi thở, như máu thịt. Đất nước ấy được thấm đẫm trong hương liệu văn hóa dân gian, trong phong tục, trong tư tưởng của mọi thời đại – “Đất nước của nhân dân”, một tư tưởng cốt lõi xuyên suốt cả bài thơ. 

>> Mời bạn xem thêm: Soạn bài Ngữ Văn 12 - Tổng hợp đầy đủ chương trình Văn 12

3.4 Mở bài Đất nước gián tiếp mẫu 4 

Trong dàn hợp xướng của thơ ca Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ, Nguyễn Khoa Điềm vẫn là một tiếng thơ rất riêng, một giọng thơ khác biệt mang một phong cách nghệ thuật độc đáo. Bên cạnh Phạm Tiến Duật trẻ trung, phong trần, sôi nổi với những lời thơ lấm bụi; Nguyễn Duy chân chất, mộc mạc nhưng vẫn không kém phần ngọt ngào, đằm thắm với những âm điệu lục bát của ca dao vọng về, là một Nguyễn Khoa Điềm tài hoa, uyên bác, hiện đại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống. Thơ của ông nghiêm cẩn, trang trọng, đĩnh đạc và cũng rất đỗi tinh tế trữ tình. Trích đoạn “Đất Nước” trong trường ca “Mặt đường khát vọng” là kết tinh của những nét đặc sắc trong phong cách nghệ thuật của thơ Nguyễn Khoa Điềm.

4. Mở bài phân tích 9 câu đầu Đất nước 

4.1 Mở bài phân tích 9 câu đầu Đất nước mẫu 1

Đất nước, từ rất lâu đã trở thành điểm hẹn tâm hồn của biết bao văn nghệ sĩ. Lấy cảm hứng từ đề tài quen thuộc ấy, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm chọn cho mình một góc nhìn riêng biệt. Cũng chính Nguyễn Khoa Điềm từng chia sẻ: “Đất Nước với các nhà thơ khác là của những huyền thoại, của những anh hùng nhưng với tôi là của những con người vô danh, của nhân dân”. “Tôi cố gắng thể hiện hình ảnh Đất Nước Giản dị, gần gũi nhất”. Trích từ trường ca “Mặt đường khát vọng”, đoạn trích “Đất Nước” là sự kết tinh của những sáng tạo độc đáo, mới mẻ trong phong cách thơ của Nguyễn Khoa Điềm. Với 9 câu thơ mở đầu, tác giả đã đưa người đọc đi ngược trở lại với lịch sử của dân tộc để tìm câu trả lời cho câu hỏi đất nước có từ bao giờ?

4.2 Mở bài phân tích 9 câu đầu Đất nước mẫu 2

Đất Nước - hai từ giản dị mà sao lại quá đỗi thân thương! Và đó cũng là chủ đề, là nguồn cảm hứng vô tận trong thơ ca và nghệ thuật. Mỗi nhà thơ, nhà văn sẽ có cho mình một góc nhìn riêng để nói về Đất Nước, nếu như các nhà thơ thế hệ trước thường chọn điểm nhìn về Đất Nước bằng những hình ảnh tráng lệ, kỳ vĩ hay lấy cảm hứng từ bề dày lịch sử qua các triều đại thì Nguyễn Khoa Điềm lại chọn một góc nhìn gần gũi, thân thuộc để vẽ lên hình ảnh Đất Nước. Tác phẩm Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm đã gợi lên cho người đọc những nét đẹp về truyền thống, phong tục, văn hóa phong phú một cách đẹp đẽ và sinh động lạ thường, mang đậm dấu ấn bản chất con người Việt. Trong 9 câu thơ đầu, Nguyễn Khoa Điềm thể hiện quan niệm, cái nhìn của mình về cội nguồn dân tộc thật đặc sắc.

4.3 Mở bài phân tích 9 câu đầu Đất nước mẫu 3

Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm là những vần thơ giản dị, nhưng lại thấm đượm, nồng nàn cảm xúc. Bởi thế mà dẫu viết về một đề tài đã cũ, đã quen thuộc, nhưng với cái nhìn độc đáo và cách khai thác chất liệu mới mẻ, sáng tạo đã giúp tác phẩm Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm tạo được dấu ấn riêng trong lòng người đọc. Đặc biệt, 9 câu thơ mở đầu của đoạn trích, trong mạch cảm xúc trào dâng, hướng đến cội nguồn lịch sử của dân tộc, đã thể hiện rất rõ điều đó.

4.4 Mở bài phân tích 9 câu đầu Đất nước mẫu 4 

Đồng bào Việt Nam ta từ xưa đến nay luôn mang trong mình tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm, sẵn sàng chiến đấu và hi sinh để bảo vệ độc lập tự do cho dân tộc. Trong những năm tháng trường kỳ kháng chiến chống Mỹ, có biết bao nhiêu tác phẩm văn thơ ra đời đóng vai trò như một vũ khí, cổ vũ tinh thần chiến đấu cho quân và dân ta ngoài mặt trận. Một trong số các tác phẩm thành công trong việc khơi gợi lòng yêu nước không thể không kể đến Trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm. Trong đó, nổi bật nhất là đoạn trích “Đất nước”. Tác giả đã thể hiện góc nhìn của mình về cội nguồn của Đất nước qua 9 câu thơ mở đầu đoạn trích.

4.5 Mở bài phân tích 9 câu đầu Đất nước mẫu 5 

Đất nước là một trong những chủ đề gắn liền với sự thành công của nhiều cây bút qua các thời kì và đặc biệt là thời kì kháng chiến. Ta không sao quên được hình ảnh đất nước hóa thân trong “mảnh hồn quê Kinh Bắc”, đất nước bị dày xéo dưới sự áp bức của bọn giặc ngoại xâm trong thơ của Hoàng Cầm hay hình ảnh một đất nước tuy bé nhỏ, khó khăn mà vô cùng anh hùng, bất khuất “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” trong thơ của Nguyễn Đình Thi. Đến với đoạn trích “Đất nước” trong chương 5 của bản trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm, ta lại có khám phá thêm góc nhìn đầy mới mẻ về đất nước của ông. Với hình tượng trung tâm là đất nước, Nguyễn Khoa Điềm đã thành công cho độc giả thấy được tư tưởng mới mẻ trong hành trình lí giải về cội nguồn đất nước qua 9 câu thơ đầu bài.

>>> Đăng ký khóa học PAS THPT để được các thầy cô lên lộ trình ôn tập hiệu quả <<< 

PAS VUIHOCGIẢI PHÁP ÔN LUYỆN CÁ NHÂN HÓA

Khóa học online ĐẦU TIÊN VÀ DUY NHẤT:  

⭐ Xây dựng lộ trình học từ mất gốc đến 27+  

⭐ Chọn thầy cô, lớp, môn học theo sở thích  

⭐ Tương tác trực tiếp hai chiều cùng thầy cô  

⭐ Học đi học lại đến khi nào hiểu bài thì thôi

⭐ Rèn tips tricks giúp tăng tốc thời gian làm đề

⭐ Tặng full bộ tài liệu độc quyền trong quá trình học tập

Đăng ký học thử miễn phí ngay!!

 

Qua bài viết này, VUIHOC đã cung cấp cho các em tổng hợp các mẫu mở bài Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm và mở bài cho 9 câu đầu của bài thơ. Hi vọng rằng có thể giúp các em có thêm cảm hứng để viết nên một bài phân tích cho tác phẩm này một cách hay và trọn vẹn nhất. Để học nhiều hơn các kiến thức của các môn học thì các em hãy nhanh tay truy cập vào website vuihoc.vn hoặc đăng ký khoá học với các thầy cô giáo của VUIHOC ngay bây giờ nhé!

>> Mời các bạn xem thêm: 

 

Banner afterpost tag lớp 12
| đánh giá
Hotline: 0987810990